Lo và mừng

Lo và mừng
TP - ách đây vài năm, nhiều người đã rất sốc khi biết rằng không phải là những mặt hàng máy móc, thiết bị hiện đại trong nước chưa thể sản xuất được, mà ngay cả những chiếc tăm xỉa răng cũng được nhập khẩu vào nước ta.

> Tập trung phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng Đảng

Nhưng đến thời điểm này, sau 5 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chuyện thịt bò Kobe (Nhật Bản), trái cây New Zealand, Mỹ, thậm chí bánh trái, thịt heo từ … Argentina có mặt trên thị trường Việt Nam dần được xem là chuyện thường.

Việc hàng ngoại nhập tràn ngập thị trường trong nước, từ cây kim sợi chỉ, hạt gạo, cân thịt đến những thứ như điện thoại, ô tô cao cấp… chắc chắn được người dân ủng hộ, vì có thêm lựa chọn.

Sự hội nhập về kinh tế- văn hóa- tiêu dùng trong vài năm trở lại đây đã thể hiện rất rõ ràng: từ những sản phẩm tiêu dùng đang nổi như máy tính bảng iPad, điện thoại iPhone, BlackBerry… đến những tạo tác văn hóa như các bộ phim mới, từ kinh điển đến thời thượng, hay rộng lớn hơn là những tác động dây chuyền bắt nguồn từ những biến động của kinh tế thế giới, tất cả đều xuất hiện gần như đồng thời với những quốc gia được coi là cường quốc của thế giới.

Tác động của thế giới phẳng, của sự xóa nhòa ranh giới về sự ảnh hưởng trong tiến trình toàn cầu hóa là không thể cưỡng lại hay đảo ngược.

Nhưng đối với người dân, có lẽ điều quan trọng, ngoài việc có thêm sự lựa chọn, còn là những tiện lợi được tạo ra từ một môi trường cạnh tranh. Chỉ khi thị trường trong và ngoài nước như những chiếc bình thông nhau, người dân mới có cơ hội thực sự là thượng đế mà không cần những lời hô hào sáo rỗng.

Ngồi tại Hà Nội, bạn có thể ung dung thưởng thức tô phở nấu từ thịt bò Kobe hay dùng món sushi làm từ cá biển nguyên gốc Nhật Bản, miễn là có khả năng chi trả. Với một máy tính nối mạng cùng một thẻ tín dụng thanh toán quốc tế, bạn hoàn toàn có quyền tham gia các cuộc đấu giá những vật phẩm từ Mỹ, Canada, điều mà khoảng 10 năm về trước là gần như không thể.

Chỉ có điều, toàn cầu hóa, cũng như nhiều thứ khác trên đời, đều có mặt trái. Câu chuyện ngành chăn nuôi Việt Nam, bao gồm khâu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, tạo giống, chế biến… dần rơi vào bàn tay lũng đoạn của doanh nghiệp nước ngoài trong khi doanh nghiệp, chính quyền sở tại đang “ngủ yên” trên những “thành tựu” nhất thời.

Kết quả là những đợt tăng giá liên miên, sự nóng lạnh thất thường của thị trường thịt và các sản phẩm từ thịt, gây bất ổn thị trường và sâu xa hơn là bất ổn cho cả nền kinh tế.

Nhưng bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn, việc làm của người dân, trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền và giới doanh gia trong nước. Chính họ phải là đầu tàu trong cuộc chiến cạnh tranh, trước khi trông đợi vào người tiêu dùng trong nước.

Doanh gia và chính quyền, hơn ai hết, phải chấp nhận cuộc chơi và có đối sách giành lấy thị phần, cũng như có biện pháp phù hợp bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh và quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo lâu dài, chứ không chỉ trong thời gian trước mắt.

Vài năm trước, khi các thương hiệu quốc tế như Big C, Metro xuất hiện tại Việt Nam, đã có những lo ngại về sự độc chiếm lĩnh vực phân phối hàng hóa của các đại gia đến từ ngoại quốc. Nhưng cũng chính sự xuất hiện của họ đã thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam, tạo ra các cú huých cho toàn ngành và đối tượng hưởng lợi không ai khác là người tiêu dùng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.