Dù chưa có báo cáo tổng hợp cả nước, nhưng chỉ qua một số rà soát của các bộ ngành, việc quản lý, sử dụng xe công đã phát sinh vấn đề. Như số liệu các bộ ngành và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (Bộ Tài chính) đã có sự chênh lệch hàng trăm xe. Nhưng số liệu này chưa tính tới xe tư gắn biển xanh giá như trường hợp của ông Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Ai quản hàng trăm xe công thống kê sai lệch?
Bộ LĐ-TB&XH thống kê có 115 xe ô tô công chuyên dùng, nhưng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về tài sản nhà nước do Bộ Tài chính quản lý cho thấy Bộ LĐ-TB&XH có 125 xe chuyên dụng (chênh 10 xe). Tương tự, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống kê đang sử dụng 315 xe công, nhưng trong CSDLQG về tài sản nhà nước chỉ lưu 281 xe (chênh 34 xe).
Tại Bộ Công Thương, đơn vị này tự rà soát có 192 xe ô tô công phục vụ công tác chung, nhưng CSDLQG về tài sản nhà nước lại ghi nhận có 227 xe công loại này (chênh 35 xe). Bộ NN&PTNT báo cáo có 452 xe ô tô công chuyên dụng, nhưng trên CSDLQG về tài sản nhà nước lại là 541 xe (chênh 89 xe)…
Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, hiện cả nước có 14.408 đơn vị kê khai sử dụng ô tô công. Trong đó, riêng số ô tô công phục vụ công tác chung lên tới 24.460 xe. Chi phí bình quân cho 1 ô tô công hiện khoảng 310 triệu đồng/năm, gồm: Lương, công tác phí cho lái xe khoảng 70 triệu đồng, nhiên liệu 100 triệu đồng, khấu hao xe 80 triệu đồng, bảo hiểm, chi phí sửa chữa… khoảng 60 triệu đồng.
Không chỉ sai lệch số liệu, việc xác định định mức để sắp xếp, bố trí xe công của các đơn vị cũng có nhiều điểm chưa hợp lý, xác định sai định mức, dư thừa so với quy định. Bộ LĐ-TB&XH xây dựng nhu cầu 111 xe công phục vụ công tác chung, nhưng Bộ Tài chính chỉ đồng ý 103 xe (giảm 8 xe so với đề nghị), do bộ này xây dựng chưa phù hợp. Cụ thể, giảm 2 xe của đại diện văn phòng bộ tại miền Nam, giảm 1 xe của báo Lao động-Xã hội, giảm 2 xe của Ban Quản lý dự án Hỗ trợ giảm nghèo bền vững… do không đủ tiêu chuẩn.
Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính tới 21/9/2015, toàn hệ thống liên đoàn lao động cả nước đang quản lý, sử dụng 327 xe công. Trong đó có 6 xe phục vụ các chức danh lãnh đạo, 315 xe phục vụ công tác chung và 6 xe chuyên dùng. So với định mức, đơn vị này dư thừa tới 75 xe, nhưng theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số xe này đã đủ điều kiện thanh lý.
Bộ Công Thương chỉ được cấp 11 xe công phục vụ chức danh lãnh đạo (gồm 1 xe bộ trưởng, 6 thứ trưởng, 1 tổng cục trưởng và 3 cục trưởng có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25). Nhưng khi xác định định mức, Bộ Công Thương đã tính 12 xe, vượt 1 xe so với tiêu chuẩn. Đối với xe ô tô phục vụ chung, theo định mức bộ này được sắm 135 xe, nhưng thực tế đã có tới 192 xe (thừa 57 xe).
Với Bộ NN&PTNT, bộ này đang có 452 xe ô tô phục vụ công tác chung, nhưng theo tiêu chuẩn, định mức chỉ được 276 xe (thừa 176 xe so với quy định). Ngoài ra, ô tô chuyên dùng của bộ này cũng thừa tới 39 xe so với quy định.
Điều “bình thường” ở Cục Quản lý Công sản
Chiều 13/6, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho rằng, chuyện chênh lệch như trên “không có gì bất thường”. Theo ông, lâu nay số liệu trên CSDLQG về tài sản nhà nước do các đơn vị sử dụng tài sản công tự động cập nhật. Như đơn vị sử dụng ô tô, khi mua xe sẽ tự động cập nhật vào hệ thống thông tin chiếc xe, giá trị… hệ thống sẽ lọc và cập nhật về một đầu mối.
“Số liệu thực tế và cơ sở dữ liệu có chênh lệch do các đầu mối sử dụng xe chưa cập nhật thông tin lên hệ thống, như xe mới mua, xe đã thanh lý… Để các đơn vị tự nguyện cập nhật không có nghĩa mình không biết, cũng không phải có đợt rà soát này mới biết, mình nắm được hết, nên đã có văn bản nhắc các đơn vị cập nhật”, ông Thắng nói.
Dù vậy, khi báo cáo Bộ Tài chính, các bộ ngành này đều đề nghị được để lại số xe đang sử dụng, thậm chí bố trí thêm ngân sách để mua sắm mới. Như Bộ LĐ-TB&XH đề nghị mua bổ sung thêm 57 xe (vượt 8 xe so với quy định), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị được cấp ngân sách mua mới 30 xe công để thay thế xe cũ (dù còn thừa 75 xe).
Tuy nhiên, khi hỏi về việc các bộ thừa xe so với tiêu chuẩn, định mức có bị thu hồi để chuyển cho đơn vị còn thiếu thì ông Trần Đức Thắng lấy lý do “đang bận họp”. Trong văn bản gửi các bộ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành tự sắp xếp, luân chuyển nơi thừa tới nơi thiếu.
Liên quan tới việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng xe Lexus LX570, trị giá hơn 5 tỷ đồng, gắn biển số xanh 95A-0699, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng, quy định về việc sử dụng ô tô công, với cấp phó chủ tịch UBND chỉ Hà Nội và TPHCM được sắm ô tô công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác. Tuy nhiên, mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/xe. Với các địa phương khác, các phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ được sử dụng xe công phục vụ chung khi đi công tác (không dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc).