Lộ diện nữ tỷ phú trẻ được coi là Steve Jobs thứ 2

Elizabeth Holmes tại phòng thí nghiệm của công ty. Ảnh: Wakelet
Elizabeth Holmes tại phòng thí nghiệm của công ty. Ảnh: Wakelet
Công ty xét nghiệm máu của Elizabeth Holmes được ví là có khả năng thay đổi ngành y tế, như cách Apple thay đổi ngành điện thoại di động.

Elizabeth Holmes (31 tuổi) thành lập Theranos năm 2003, với mục tiêu giúp người dân xét nghiệm máu nhanh, dễ dàng và rẻ hơn nhiều so với đến bệnh viện. Cô đã bỏ Đại học Stanford từ khi là sinh viên năm 2, quyết định dành toàn bộ tiền bạc và sự tập trung cho việc thay đổi thế giới.

Ý tưởng của cô là không cần các dụng cụ như ống nghiệm, băng gạc và thời gian chờ lấy kết quả dài đằng đẵng cho các xét nghiệm. Chỉ cần một chiếc kim lấy máu xếp trong chiếc hộp nhỏ như đồng xu. Do đó khoảng 70 phép xét nghiệm có thể thực hiện chỉ bằng một giọt máu và trong thời gian ngắn hơn nhiều phương pháp truyền thống.

Năm ngoái, Theranos huy động được 400 triệu USD và được định giá 9 tỷ USD. Sở hữu 50% Theranos, Holmes do đó cũng trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2014.

"Đây là công ty mang tính đột phá lớn, đe dọa thay đổi ngành y tế theo cách mà Amazon thay đổi ngành bán lẻ, Intel hay Microsoft thay đổi công nghệ máy tính, hay Apple thay đổi khái niệm điện thoại di động", Jim Cramer - người dẫn chương trình "Mad Money" của CNBC nhận xét.

"Mục tiêu của tôi là trao quyền chủ động cho mọi người. Chúng tôi tin rằng tương lai của ngành y tế là cho phép mọi cá nhân có quyền biết thông tin mình cần, để làm chủ sức khỏe bản thân", Holmes cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Cramer.

Cô đã chỉ cho ông xem loại ống chỉ nhỏ bằng viên thuốc, có thể thay thế dụng cụ lấy máu khá to đang được sử dụng. Hiện tại, 80% các quyết định y khoa là dựa trên kết quả thử máu tại phòng thí nghiệm. Theranos cũng sẽ cung cấp thông tin cho bệnh nhân về giá cả trước khi họ sử dụng dịch vụ.

Gần đây, chuỗi hiệu thuốc Walgreen's còn đưa Theranos Labs vào các trung tâm chăm sóc sức khỏe của hãng trên khắp bang Arizona. Đây là sự thay đổi lớn, do hiện tại, các bệnh nhân đã có thể lấy máu vào bất kỳ thời điểm nào. Trước đó, họ chỉ có thể đến các phòng cấp cứu để làm việc này.

Theranos cũng khuyến khích các bệnh nhân dũng cảm thử máu. Do các trẻ em, và thậm chí cả Holmes trước đây, cũng sợ cảm giác bị kim đâm vào người. "Thực sự thì tôi rất sợ chuyện này. Tôi từng cho rằng sự tra tấn khủng khiếp nhất là mình ngồi đó và nhìn máu bị rút khỏi cơ thể", Holmes nói.

Cô cho biết mô hình của Theranos sẽ rất có ích với các bệnh nhân ung thư - những người phải xét nghiệm máu rất nhiều. "Chúng tôi có một niềm tin. Tôi không nói về Theranos, hay công nghệ. Mà là việc này mang lại cho mọi người quyền cơ bản mà họ đã bị mất. Đó là quyền tiếp cận thông tin sức khỏe. Chúng tôi tin rằng chi phí thử máu trên thế giới rồi sẽ giảm xuống thôi", Holmes nói.

Cramer cho rằng ví Holmes với Steve Jobs là điều hoàn toàn hợp lý, nếu xét đến tầm nhìn của cô tới thế hệ sau. Khi được hỏi có cảm thấy áp lực khi gánh danh hiệu này không, cô trả lời: "Tôi không cho là sẽ có một Steve Jobs nữa. Ông ấy là doanh nhân mang tính hiện tượng rồi. Chúng tôi đang có cơ hội tuyệt vời để học ông ấy cách thay đổi thế giới, và chúng tôi đang làm việc 24/7 để hoàn thành điều đó".

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG