Ngày 20/9, 10 ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Mỹ và các nước đồng minh vô cùng ngạc nhiên khi những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy gần 30 máy bay quân sự gồm các tiêm kích, cường kích dòng Su và trực thăng tấn công Mi của Nga đã xếp hàng tại sân bay Latakia của Syria, trang mạng quốc phòng Réseau International của Pháp đưa tin.
Hầu hết các máy bay này được cho là thuộc biên chế của hai lữ đoàn không quân 387 và 368 ở căn cứ Budynnovsk, thuộc vùng Stavropol Krai của Nga, cách sân bay Latakia tới 2.400 km. Điều khiến các chuyên gia quân sự cảm thấy khó hiểu là các máy bay quân sự Nga đã áp dụng chiến thuật nào để đến Syria một cách bí mật như vậy.
Bay đường vòng
Một giả thuyết cho rằng các chiến đấu cơ của Nga đã đi đường vòng, bỏ qua không phận Azerbaijan, bay qua không phận quốc tế trên biển Caspian, vào không phận Iran và Iraq để tới Syria, theo các chuyên gia quốc phòng của trang mạng trên.
Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng khả năng này là không thể, bởi vùng trời trên biển Caspian và phía bắc Iraq đều nằm trong tầm kiểm soát của các máy bay cảnh báo sớm Mỹ và Israel.
Từ lâu, quân đội Mỹ đã triển khai nhiều máy bay trinh sát cảnh báo sớm đường không AWACS tại căn cứ không quân Incirlik, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ và một số căn cứ ở Bahrain. Các máy bay này được trang bị những hệ thống radar hiện đại, có thể phát hiện các mục tiêu trong phạm vi kiểm soát rất rộng với bán kính lên tới 500 km.
Ngoài ra, trong quá khứ, các máy bay cảnh báo sớm của Israel hoạt động rất hiệu quả và đã phát hiện được hầu hết các máy bay di chuyển trong không phận các nước Trung Đông.
Đường màu tím mô phỏng hướng bay của các chiến đấu cơ Nga trên biển Caspian trước khi tới Syria. Đồ họa: Flightradar24
Réseau International cho biết, ngày 24/9, khi nhận được thông tin các phi công Nga thực hiện các chuyến bay đầu tiên từ sân bay Latakia, Israel đã ngay lập tức cử máy bay cảnh báo sớm hiện đại G550 tuần tra trên Địa Trung Hải.
Chiến thuật 'núp bóng' và gây nhiễu
Trang Flightradar24 chuyên theo dõi hành trình của các máy bay trên thế giới đã ghi nhận đường bay dày đặc trên Địa Trung Hải của chiếc máy bay này trong hôm đó, tuy nhiên hệ thống trinh sát vô tuyến điện hiện đại của chiếc G550 cũng không thu thập được bất kỳ thông tin nào về máy bay Nga.
Các chuyên gia quân sự Pháp nhận định, các tiêm kích như Su-34, Su-24, Su-27 có khả năng qua mặt Mỹ và đồng minh bằng cách bay phối hợp theo đội hình hẹp, "núp bóng" máy bay vận tải AN-124 trên độ cao 10 km với vận tốc khoảng 1.000 km/h.
Trong điều kiện này, hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ và Israel chỉ có thể phát hiện ra máy bay vận tải, bởi tần số phản xạ radar giữa các máy bay Nga là đồng nhất. Việc Nga sử dụng máy bay vận tải quân sự để viện trợ cho Syria đã diễn ra trong một thời gian dài và không khiến Mỹ cùng các đồng minh chú ý.
Tuy nhiên chiến thuật "núp bóng" này chỉ có thể phát huy tác dụng đối với những máy bay tiêm kích có tốc độ cao và phạm vi bay lớn. Đối với cường kích Su-25, khi thực hiện hành trình bay dài 2.400 km, nó buộc phải gắn thêm hai thùng dầu phụ dưới cánh. Khi đó Su-25 sẽ nặng hơn và không thể bay cùng đội hình với máy bay vận tải ở độ cao trên 10 km.
Ngoài ra, các trực thăng chiến đấu Mi cũng không thể bay trên độ cao 4 km, đương nhiên không thể bay phối hợp với các máy bay vận tải AN-124.
Các chuyên gia nhận định cách giải thích hợp lý nhất là các máy bay quân sự này được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử gây nhiễu hiệu quả của Nga.
Theo các chuyên gia quân sự, cường kích Su-25 của Nga rất có thể đã được trang bị hệ thống gây nhiễu chủ động SPS-171. Hệ thống này bao gồm các thiết bị quét mảng pha điện tử chủ động, phát ra các tín hiệu gây nhiễu radar cảnh báo sớm của đối phương.
"Và trong trường hợp này nó đã hoạt động hiệu quả ngoài hình dung của các chuyên gia quân sự Mỹ", ông Jean-Marie Lebraud, một cựu chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp nhận định.
Sơ đồ phạm vi hoạt động của hệ thống radar cảnh báo mặt đất và trên không của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên ở độ cao hơn 10km và vận tốc bay lớn, hệ thống này không thể phát hiện các tiêm kích của Nga bay lẫn với các máy bay vận tải AN-124. Đồ họa: Réseau International
"Điều đáng chú ý là hệ thống này đã từng bị các thành viên NATO, trong đó có Romania, đánh giá là thiếu hiệu quả. Năm 1986, Romania từng được Nga cung cấp hệ thống gây nhiễu SPS-141- phiên bản chưa cải tiến của SPS-171, tuy nhiên sau khi gia nhập NATO, Romania đã xếp hệ thống này vào nhà kho", ông Lebraud cho biết thêm.
Còn các trực thăng chiến đấu dòng Mi được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất của Nga là Richag-AV. Ngoài chức năng trinh sát thu thập thông tin, hệ thống này được các kĩ sư Nga phát triển để gây nhiễu radar đối phương, bảo vệ máy bay tránh bị phát hiện trong phạm vi 500 km.
Đối với loại máy bay do thám cỡ lớn Il-20M, hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ và Israel càng khó phát hiện. Ngoài việc được trang bị hệ thống gây nhiễu hiện đại, loại máy bay này còn hoạt động phối hợp chặt chẽ với hệ thống thông tin, chỉ huy và điều hành tích hợp C4I.
C4I (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính và tình báo) là một hệ thống tác chiến điện tử hiện đại mà Nga đã triển khai tại Syria trước đó. Hệ thống này kết nối và xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn, liên lạc với các đơn vị bằng nhiều phương tiện và giao thức.
Với hệ thống này, Nga có thể điều hành toàn bộ các hoạt động bay tới Syria mà vẫn bảo mật chặt chẽ thông tin liên lạc giữa các đơn vị tác chiến với nhau, tránh nguy cơ bị đối phương can thiệp, phát hiện.