Ngay lập tức, tờ Sina của Trung Quốc bình luận: “Các phương tiện truyền thông Ấn Độ, vốn thường xuyên thổi phồng xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ, lần này đã bị chính người dân của họ tát vào mặt”.
Trước đó, tờ báo The Hindu của Ấn Độ dẫn lời người được gọi là "quan chức chính phủ cấp cao" vào ngày 23 tháng 5 tuyên bố rằng các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đã có một "cuộc đối đầu quy mô nhỏ" ở Thung lũng Galwan trong tháng 5. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ đã nhanh chóng bác bỏ bản tin, nói rằng "Các lực lượng vũ trang Ấn Độ và Trung Quốc đã không có một cuộc đối đầu nào như vậy”.
Trong bản tin, The Hindu nói vụ việc xảy ra vào tuần đầu tiên của tháng 5, hai bên không xảy ra xô xát và nhanh chóng tan rã.
Theo bản tin, sau khi xung đột biên giới Trung-Ấn xảy ra vào tháng 6 năm ngoái, một vùng đệm dài khoảng 1,5 km đã được thiết lập ở cả hai bên của điểm xung đột ở Thung lũng sông Galwan, và hoạt động tuần tra trên bộ cũng bị đình chỉ 30 ngày. Không rõ liệu việc tạm ngưng có được gia hạn hay không.
Theo lời vị quan chức Ấn Độ được dẫn lời: “Sau khi thành lập khu vực cấm tuần tra vào năm ngoái, hai bên sẽ thỉnh thoảng tiến hành trinh sát để xem liệu bên kia có vượt qua ranh giới hay không. (Tuy nhiên) vào ngày hôm đó, lực lượng tuần tra của Ấn Độ và Trung Quốc đến khu vực cùng lúc, và một cuộc đối đầu quy mô nhỏ đã xảy ra, nhưng cả hai bên đều nhanh chóng rút lui”.
Tuy nhiên, Quân đội Ấn Độ nhanh chóng phủ nhận bản tin của The Hindu.
Vào ngày 23 tháng 5, quân đội Ấn Độ đã đưa ra một tuyên bố trên Twitter, viết rằng: "Chúng tôi đã nhận thấy bài báo có tựa đề 'Cuộc đối đầu quy mô nhỏ với quân đội Trung Quốc ở Thung lũng sông Galwan' được The Hindu đăng vào ngày 23 tháng 5 năm 2021. Việc cần phải làm rõ là vào tuần đầu tiên của tháng 5 năm 2021, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã không có một cuộc giao tranh quy mô nhỏ nào ở thung lũng sông Galwan ở khu vực phía đông Ladakh”.
Tuyên bố cũng nêu rõ, "Bài báo này dường như được lấy cảm hứng từ các nguồn tin có thể đang cố gắng làm gián đoạn quá trình giải quyết sớm vấn đề ở khu vực phía đông Ladakh đang diễn ra. Các phương tiện truyền thông chuyên nghiệp đưa tin về các tuyên bố hoặc sự cố thực tế liên quan đến quân đội Ấn Độ nên dựa trên các nguồn được ủy quyền trong quân đội Ấn Độ, thay vì dựa trên các nguồn của bên thứ ba chưa được xác nhận”.
Việc quân đội Ấn Độ bác bỏ tin đồn và tin tức của các phương tiện truyền thông Ấn Độ nhanh chóng làm dấy lên các cuộc thảo luận giữa các cư dân mạng.
Một cư dân mạng Trung Quốc đặt câu hỏi: "Liệu các anh có hành động pháp lý chống lại việc cố tình phổ biến thông tin sai lệch không? Điều này có thể làm gián đoạn tiến trình đàm phán giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang diễn ra".
Một số cư dân mạng cũng viết: "Xin chào ông, đây không phải là lần đầu tiên. Một số ít các phương tiện truyền thông có thói quen đăng tin giả mạo. Đừng đưa ra yêu cầu (đối với họ), hãy có những hành động pháp lý mạnh mẽ chống lại họ, nếu không họ sẽ tiếp tục theo cách này. "
Dưới bản tin của The Hindu, trong phần bình luận, nhiều cư dân mạng cáo buộc đây là "tin giả".