Trung Quốc tập trận gần biên giới với Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
Binh sỹ Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Tây Tạng
Binh sỹ Trung Quốc trong một cuộc tập trận ở Tây Tạng
TPO - Ấn Độ đang theo dõi sát các cuộc tập trận đang diễn ra của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ, Times of India đưa tin, trích dẫn các nguồn tin quân sự.

Trong khi đó, một bản tin trên PLA Daily, nhật báo của quân đội Trung Quốc (PLA) cho biết một cuộc tập trận hỗn hợp đang được tổ chức tại Tây Tạng với mục tiêu “nâng cao khả năng chiến đấu”.

Theo một sĩ quan cấp cao của quân đội Ấn Độ, được tờ báo Ấn Độ trích dẫn, PLA đã hoàn thành việc luân chuyển quân trên khắp khu vực Đông Ladakh tranh chấp, và bắt đầu các cuộc tập trận mùa hè hàng năm “các khu vực quan trọng, bao gồm Kanxiwar và Kashgar, nằm cách Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) 100 - 250 km”. LAC là biên giới trên thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo báo Ấn Độ, Bắc Kinh đang chuyển đổi, củng cố các vị trí đồn trú thường xuyên cho binh lính, kho đạn dược, đường băng cho máy bay trực thăng và các cơ sở lắp đặt tên lửa phòng không ở khoảng cách 25 - 100 km từ LAC, trong khi các lực lượng Ấn Độ cũng đã tăng cường các vị trí quân sự của họ ở các khu vực tranh chấp.

New Delhi cùng lúc buộc phải tập hợp lực lượng để chống đại dịch coronavirus, vốn đang ảnh hưởng nặng nề đến đất nước này, theo một sĩ quan khác, được tờ báo trích dẫn.

"Sau khi đánh giá và phân tích rủi ro, một số binh sĩ đã được đưa trở lại để hỗ trợ quốc gia chống lại cuộc khủng hoảng Covid. Có những khu vực được xác định là nơi mà bằng bất kỳ giá nào cũng không được rút lực lượng, trong khi một số nơi khác, lực lượng đồn trú bị cắt giảm", viên sỹ quan nói.

Mặc dù cả hai bên duy trì liên lạc thông qua đường dây nóng, nhưng họ vẫn gặp bế tắc về LAC, Times of India nói.

Kể từ sau cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 1962, đường biên giới trên dãy Himalaya giữa hai nước chưa được phân định rõ ràng. Do đó, khu vực này thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ giữa quân đội hai bên.

Sau sự cố leo thang gây chết người gần hồ Pangong Tso một năm trước, Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực tranh chấp, đồng thời khởi động các cuộc tham vấn giải tỏa. Khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, hai cuộc đụng độ lớn khác đã diễn ra vào tháng 6 và tháng 8 năm ngoái khiến hàng chục binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng.

Việc rút quân song phương khỏi LAC bắt đầu vào tháng 2 sau vòng đàm phán giữa các chỉ huy cấp cao lần thứ 10. Quân đội hai nước đã rút quân, xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các đơn vị pháo binh khỏi các khu vực tầm cao chiến lược dọc theo bờ hồ Pangong Tso. Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.

Bản tin trên PLA Daily, nhật báo của quân đội Trung Quốc (PLA) cho biết một cuộc tập trận đa chiều đang được tổ chức nhằm nâng cao khả năng chiến đấu.

Cuộc tập trận có sự tham gia của các lực lượng tấn công mặt đất cũng như không quân PLA, đơn vị triển khai trực thăng tấn công cho cuộc diễn tập.

Khu vực quân sự Tây Tạng thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu phía Tây (WTC) của PLA, nơi có biên giới Trung Quốc - Ấn Độ.

Bản tin không xác định khu vực cụ thể nơi cuộc tập trận đang được tổ chức nhưng cho biết "không quân và lục quân tham gia tấn công ba chiều" tại "địa điểm nhất định" trên cao nguyên Tây Tạng.

MỚI - NÓNG