Luyện quân trên đất thép Củ Chi
Dưới cái nắng nóng đặc trưng của vùng đất thép Củ Chi, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ở Trung đoàn Gia Định hàng ngày luôn miệt mài thực hiện chương trình huấn luyện chiến sĩ mới theo quy định của Bộ Quốc phòng. Trên thao trường huấn luyện, từ trung đội cho tới đại đội, tiểu đoàn, các khoa mục về huấn luyện chiến thuật, điều lệnh đội ngũ, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, giáo dục chính trị được tiến hành bài bản, nghiêm túc.
Theo lãnh đạo Trung đoàn Gia Định, năm 2017, đơn vị tiếp nhận 725 chiến sĩ mới đến từ nhiều quận, huyện thuộc TPHCM. Công tác huấn luyện chiến sĩ mới được giao cho hai Tiểu đoàn 2 và 3 của Trung đoàn trực tiếp đảm nhiệm. Để giúp cho tân binh có được những điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt, rèn luyện trong thời gian 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, mọi công tác chuẩn bị về đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện tới nơi ăn, chốn ở, thao trường, bãi tập, học cụ đều được thực hiện chu đáo, đảm bảo đúng theo quy định.
Vuốt những giọt mồ hôi lăn dài trên má sau khi vừa thực hiện các động tác bắn súng AK bài 1 theo 3 tư thế (đứng, quỳ, nằm bắn), Nguyễn Thành Phát (chiến sĩ thuộc Trung đội 27, Đại đội 10, Tiểu đoàn 3) nheo mắt nói: “Mệt, nhưng vui và mê lắm anh ạ!”. Chàng tân binh sinh năm 1993 này cho biết, trước khi nhập ngũ, Phát đã tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức và đang phụ giúp gia đình kinh doanh ở quận 2. Dù công việc kinh doanh của gia đình khá thuận lợi nhưng Phát làm đơn tình nguyện nhập ngũ đợt này.
Chia sẻ lý do quyết đi bộ đội khi vừa cưới vợ tháng 12/2016, Phát tâm sự: Ông nội tôi theo cách mạng nhiều năm, ba tôi từng công tác trong lực lượng công an. Bản thân tôi là Bí thư Chi đoàn khu phố nên thấy mình cần noi gương cho những bạn trẻ khác. Vợ tôi tuy ít tuổi (vợ Phát sinh năm 1997) nhưng cô ấy rất hiểu và luôn động viên chồng. Vợ chồng tôi đặt kế hoạch sau khi tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì mới có em bé. Tôi sẽ đăng ký học khóa sĩ quan dự bị sau khi kết thúc ba tháng huấn luyện chiến sĩ mới.
Trước khi tòng quân, chiến sĩ Trần Huy Hoàng (thuộc Trung đội 23, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, sinh năm 1992, nhà ở quận 3) đang có công việc ổn định tại một công ty bất động sản khá lớn ở TPHCM. Hoàng trải lòng về cuộc sống quân ngũ: Thú thực là những ngày đầu ở đơn vị tôi cảm thấy khá gò bó, bởi phải ăn, ngủ, sinh hoạt theo hiệu lệnh, và mệt nữa, vì phải vận động nặng dưới thời tiết nắng nóng, oi bức. Nhiều hôm ở thao trường về, toàn thân ê ẩm, nhức mỏi. Nhưng giờ thì cánh lính mới chúng tôi quen rồi, và còn động viên nhau là chỉ huy cũng đội nắng mưa vất vả cùng chiến sĩ, lại còn chỉ bảo tận tình như người thân thì mình phải cố gắng để không phụ công các anh ấy. Bữa trước bạn gái tôi lên thăm, cô ấy bảo tôi đen đi nhiều nhưng chững chạc hơn hồi còn ở nhà, làm tôi thấy vui và tự hào, anh ạ!
Tân binh ở Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144 trong giờ kiểm tra nội vụ.
Xứng danh chiến sĩ Đoàn cận vệ thép
Cách địa điểm luyện quân của Trung đoàn Gia Định gần 2.000 cây số, chúng tôi tới Tiểu đoàn 4 (Tiểu đoàn huấn luyện tân binh của Lữ đoàn 144 đóng quân cách trung tâm Hà Nội vài chục cây số) - nơi 1.200 chiến sĩ mới trong tổng số 1.400 tân binh của Lữ đoàn đang miệt mài “vượt nắng thắng mưa” rèn giũa kỹ năng của một người lính.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại úy Đinh Văn Thiết, Chính trị viên Tiểu đoàn 4 cho biết: Những ngày đầu nhập ngũ luôn là khoảng thời gian khó khăn nhất với tân binh. Năm 2017, Lữ đoàn đón nhận 1.400 chiến sỹ mới ở 12 tỉnh phía Bắc với 40% là người dân tộc thiểu số. Điều đó đồng nghĩa với việc những người làm công tác quản lý sẽ phải thấu hiểu hoàn cảnh của chừng ấy con người với 12 màu sắc địa phương khác nhau.
Chiến sĩ Bùi Văn Tuấn (sinh năm 1998, quê Lạc Sơn, Hòa Bình) chia sẻ: Ngày mới đến đây tôi rất bỡ ngỡ, vốn là người Mường lại quen với làm ruộng, ít tiếp xúc với người lạ nên tôi rất nhát. Tôi không dám bắt chuyện với ai, chỉ thấy nhớ nhà, lạc lõng và cô đơn. Nếu không có sự chia sẻ của chỉ huy thì có lẽ giờ tôi vẫn rụt rè như thế. Nhưng bây giờ đã khác, tôi có anh em đồng đội, tôi được tự tin phát biểu ý kiến, được ra thao trường để học bắn súng và cũng đã tháo lắp súng thành thạo.
Cũng chung tâm trạng nhớ nhà, chiến sĩ Bùi Văn Hiếu (sinh năm 1998, quê Kim Bôi, Hòa Bình) bộc bạch: Đây là lần đầu tôi đi xa như thế, dĩ nhiên là nhớ. Ở nhà được bố mẹ thương, lo lắng cho nhiều lại thêm phải xa người yêu nên cũng khó trách con trai yếu lòng. Vào đây thủ trưởng cũng tâm lý lắm, cứ vào ngày nghỉ là động viên anh em ra gọi điện hoặc nhắn tin hỏi thăm sức khỏe người nhà.
Sau một thời gian ngắn làm quen với đơn vị giờ đây họ đã rắn rỏi hơn. Hiếu đã nhận ra nhiều điều khi ở trong quân ngũ: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại làm việc theo quy định và nề nếp đến thế. Nếu khi cấp 3 tôi được chiều chuộng, sáng dậy muộn, quen đi chơi, thích chạy nhảy thì giờ tôi đã quen với dậy sớm, quen với đội hình đội ngũ, làm việc có chuẩn mực, nghiêm túc. Chưa đầy 1 tháng về đơn vị tôi đã tăng 5kg, có thể đẩy tạ, lên xà một cách nhẹ nhàng. Đặc biệt tôi còn phát hiện ra mình có sở thích chơi bóng chuyền và ham đọc sách.
Theo đại úy Thiết, nhờ có sự đầu tư, đổi mới về cơ sở vật chất khang trang và luôn quan tâm nắm bắt tư tưởng bộ đội mà mỗi ngày nghỉ cuối tuần, đơn vị có thể đón nhận hơn 600 lượt người thân lên đơn vị thăm, động viên chiến sĩ mới. Qua đó, giúp chiến sĩ ổn định tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ, sẵn sàng bước vào huấn luyện với quyết tâm cao nhất. Đồng thời làm cho hậu phương của tân binh luôn tin tưởng vào Quân đội và đơn vị.
“Là Bí thư Chi đoàn khu phố nên tôi thấy mình cần noi gương cho những bạn trẻ khác. Vợ chồng tôi đặt kế hoạch sau khi tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì mới có em bé”.
Chiến sĩ Nguyễn Thành Phát (Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Gia Định)
Thành lập ngày 30/10/1951, Lữ đoàn Cận vệ thép 144 (tiền thân là Tiểu đoàn 187 - lực lượng bảo vệ Bộ Tổng tư lệnh - Cơ quan Bộ Quốc phòng) được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như huấn luyện chiến sĩ làm nhiệm vụ công tác canh phòng cho các cơ quan, học viện, nhà trường, bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn thành phố Hà Nội; tham gia bảo vệ các cuộc họp, sự kiện lớn; chống khủng bố và giải cứu con tin.
Chính thức thành lập ngày 1/4/1975, từ năm 1989 đến nay, Trung đoàn Gia Định được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như huấn luyện chiến sĩ mới, hành trú quân diễn tập, làm công tác dân vận và trực sẵn sàng chiến đấu cho hai cấp Quân khu và thành phố.