Liệu có đảo ngược được Brexit?

Tồn tại hay không tồn tại? Tranh: Marian Kamensky (Slovakia)
Tồn tại hay không tồn tại? Tranh: Marian Kamensky (Slovakia)
TP - Sau cuộc trưng cầu ý dân mang tính lịch sử để quyết định Anh ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU), chưa có dấu hiệu gì cho thấy Brexit sẽ sớm xảy ra. Anh có thể thay đổi quyết định rút khỏi EU.

Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức, không tiến hành những bước đi chính thức để Anh ra khỏi EU, mà để lại nhiệm vụ này cho người kế nhiệm. Vì kết quả trưng cầu ý dân không ràng buộc pháp lý, nên một số chính trị gia gợi ý rằng, nên tổ chức bỏ phiếu trong Nghị viện trước khi chính thức triển khai Brexit. Một đơn kiến nghị được đưa lên trang web của chính phủ Anh để kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân lần hai đã nhận được 3,5 triệu chữ ký chỉ trong vòng 2 ngày.

Đối mặt mối đe dọa lớn nhất kể từ Thế chiến 2 đối với tính thống nhất của liên minh, các lãnh đạo châu Âu đang bị chia rẽ về việc khi nào nên bắt đầu bàn về cuộc “ly hôn” mà Anh đệ đơn. Paris muốn nhanh còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị bình tĩnh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói ông muốn “bắt đầu ngay lập tức”. 

Cuối tuần qua, lãnh đạo Scotland tuyên bố Scotland sẽ phủ quyết việc Vương quốc Anh ra khỏi EU. Theo các nguyên tắc chuyển giao quyền lực, nghị viện Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales cần phải đồng thuận với bất kỳ sự ra đi nào của Vương quốc Anh khỏi EU, báo cáo của Viện Quý tộc Anh cho biết.

Hầu hết chính trị gia Anh đồng ý rằng, tỷ lệ phiếu bầu 52-48 cho sự ra đi nghĩa là Brexit phải xảy ra. Những khả năng khác đều là cú tát vào mặt nền dân chủ. “Ý chí của người dân Anh là chỉ dẫn phải được thực hiện”, ông Cameron khẳng định sau bài phát biểu từ chức - sự chấm dứt sóng gió nhất đối với một thủ tướng Anh kể từ khi ông Anthony Eden từ chức năm 1957 sau cuộc khủng hoảng Suez.

Tuy nhiên, cụm từ “regrexit” (nghĩa là hối tiếc về sự ra đi) đang là xu hướng chính trên mạng xã hội Twitter, khi nhiều người đang thảo luận liệu Anh có thể nghĩ lại về sự hoài nghi đang phủ khắp châu lục, sau khi kết quả bỏ phiếu đã dẫn đến hàng loạt hệ quả tai hại về chính trị và tài chính.

Đồng bảng Anh giảm giá trị, trong khi chính trị Anh đang khủng hoảng nghiêm trọng. Ông Cameron bị coi như “vịt què”, và nhiều thành viên Công đảng, đảng chính trị lớn ở Anh, tìm cách thực hiện một cuộc đảo chính nội bộ để lật đổ lãnh đạo đảng. 

“Kính vạn hoa đang làm chao đảo không chỉ quan hệ giữa chúng tôi với EU mà cả vấn đề ai sẽ lãnh đạo các đảng của chúng tôi, ai sẽ điều hành đất nước và điều gì tạo nên đất nước này”, Reuters dẫn lời GS Anand Menon, chuyên gia về chính trị và ngoại giao châu Âu tại ĐH King’s London.

Điều 50

Luật quy định, quá trình một quốc gia rút lui khỏi EU chính là Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, còn được gọi là hiến pháp của EU. Điều khoản này chưa từng được áp dụng trước đây.

Trước cuộc trưng cầu ý dân, ông Cameron nói rằng, Điều 50 sẽ được áp dụng ngay lập tức nếu người dân Anh bỏ phiếu ra đi. Cuối tuần qua, nhiều quan chức EU cũng nói Anh cần chính thức thực hiện quy trình này - có thể trong cuộc họp thượng đỉnh của liên minh diễn ra hôm nay (28/6). 

Tuy nhiên, các quan chức của phong trào ra đi, trong đó có cựu Thị trưởng London Boris Johnson, đang nhấn chân phanh. Họ nói muốn đàm phán về quan hệ hậu Brexit với EU trước khi chính thức triển khai quá trình thoát ly. Các quan chức châu Âu và giới quan sát cho rằng, một thỏa thuận như vậy khó có thể đạt được, đặc biệt đối với các vấn đề gai góc.

Ví dụ, khó có khả năng EU sẽ cho phép Anh tiếp cận một thị trường thống nhất của khối - yếu tố then chốt để hàng hóa và dịch vụ của Anh vào được thị trường này - nếu London không chấp nhận sự dịch chuyển tự do của công nhân EU. Nhưng vấn đề lớn nhất đối với những ai bỏ phiếu rời EU là vấn đề hạn chế nhập cư - điều mà những người đi đầu phong trào Brexit đã hứa.

Dù chưa có tiền lệ về việc thực hiện Điều 50, Viện Quý tộc Anh đã thảo luận về khả năng Brexit diễn tiến như thế nào. Tháng 5 vừa qua, Viện này đưa ra một báo cáo sau khi tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia luật. 

Trong báo cáo, ông Derrick Wyatt, một trong các giáo sư tham gia, nói rằng, Brexit sẽ gây khó khăn chính trị, nhưng luật vẫn cho phép Vương quốc Anh thay đổi quyết định. “Theo luật, Anh có thể thay đổi quyết định rút khỏi EU và quyết định ở lại sau tất cả mọi việc”, GS Wyatt nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.