Tờ báo tuyên bố đã được tiếp cận văn bản mô tả dự án của EU.
Theo đó, boongke sẽ có sức chứa khoảng 100 người.
Công trình dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2024. Và boongke có thể sẽ nằm trong khu phức hợp của Hội đồng châu Âu ở Brussels.
Phòng họp sẽ không được kết nối trực tuyến, mà chỉ có micro gắn dây để phục vụ buồng phiên dịch. Cả phòng họp lẫn buồng phiên dịch đều sẽ được bao bọc bởi một loại vật liệu được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chứng nhận là có thể ngăn sóng điện từ và sóng vô tuyến.
Bất cứ ai muốn vào phòng, kể cả những người dọn dẹp, sẽ cần được thông qua giao thức an ninh "SECRET EU" - mức an ninh cao thứ 2 của khối.
Theo bản ghi nhớ được cho là của EU, boongke sẽ được quét "trước và sau các cuộc họp để phát hiện, xác định vị trí và vô hiệu hóa bất kỳ thiết bị nghe lén nào".
Tất cả những người vào boongke sẽ được yêu cầu để lại điện thoại, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh, khóa điện tử và thiết bị trợ thính... trong tủ đựng đồ cách âm bên ngoài.
Tuy nhiên chưa rõ EU xây dựng căn phòng này để đối phó với một mối đe dọa an ninh cụ thể hay vì ý thức cảnh giác chung.
Trước đó, các thành viên EU từng cáo buộc Nga hoạt động gián điệp từ rất lâu trước khi Mátxcơva khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ngoài ra, hoạt động gián điệp cũng diễn ra thường xuyên giữa các nước đồng minh tương tự như với đối thủ. Mỹ được cho là đã theo dõi 122 nhà lãnh đạo thế giới trong khoảng năm 2014.