Liên đoàn các Nhà báo Thái Lan thăm và làm việc tại báo Tiền Phong

TPO - Chiều 11/7, Đoàn đại biểu Liên đoàn các Nhà báo Thái Lan đến thăm và làm việc tại báo Tiền Phong, trụ sở số 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Đoàn đại biểu Liên đoàn các Nhà báo Thái Lan (CTJ) do Chủ tịch Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao CTJ Chavarong Limpattamapanee làm trưởng đoàn; cùng đi có: Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; ông Anan Ninmanont - Phó Chủ tịch Liên đoàn, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí địa phương Thái Lan; ông Paladisai Sitthithanyakij - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà cung cấp tin tức trực tuyến Thái Lan, cùng nhiều thành viên trong đoàn khác.

Về phía báo Tiền Phong có nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập; các Phó Tổng biên tập: Nhà báo Vũ Tiến, nhà báo Lê Minh Toản, nhà báo Phùng Công Sưởng, cùng nhiều cán bộ chủ chốt của báo Tiền Phong.

Liên đoàn các Nhà báo Thái Lan thăm và làm việc tại báo Tiền Phong ảnh 1

Chủ tịch Hội đồng Báo chí Quốc gia Thái Lan Chavarong Limpattamapanee; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; và nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong (từ trái qua phải). (Ảnh: Như Ý)

Tại buổi làm việc, nhà báo Lê Xuân Sơn giới thiệu cùng đoàn về lịch sử hình thành và phát triển của báo Tiền Phong.

Báo Tiền Phong ra đời vào năm 1953, trên một khu rừng ở miền Bắc, là tờ báo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tiếng nói của Đoàn Thanh niên và tuổi trẻ Việt Nam. Báo Tiền Phong luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đến thăm, viết thư động viên và trực tiếp tham gia vào các sự kiện của báo.

Cũng theo nhà báo Lê Xuân Sơn, sau 70 năm phát triển, báo Tiền Phong hiện có 250 người, với 30 đầu mối là các phòng, ban, ban đại diện ở khắp đất nước. Hằng ngày, báo in vẫn được in tại 5 địa điểm trên toàn quốc. Ngoài ra, báo còn một số ấn phẩm chuyên đề dành cho các lứa tuổi khác nhau, như Hoa học trò, Thiên Thần nhỏ, cùng những ấn phẩm không định kỳ khác.

Liên đoàn các Nhà báo Thái Lan thăm và làm việc tại báo Tiền Phong ảnh 2

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong giới thiệu về báo. (Ảnh: Như Ý)

“Bên cạnh những vấn đề lớn của đất nước, chúng tôi phải rất nỗ lực để hướng phóng viên của mình đi vào viết những vấn đề rất cụ thể của đời sống, về những con người cụ thể, những việc làm cụ thể”, nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ.

Cùng với đó, báo Tiền Phong điện tử ra đời vào cuối năm 2004, đầu năm 2005, đến nay thuộc tờ báo phát triển khá, trong top 10 báo điện tử có nhiều bạn đọc nhất Việt Nam.

"Chúng tôi đang có giải pháp tích cực để thúc đẩy báo điện tử phát triển mạnh hơn và nhiệm vụ trọng tâm tới đây là phát triển tờ điện từ thành tờ báo chính thay cho vai trò của báo in trước đây”, nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, báo Tiền Phong còn có hai ấn phẩm điện tử khác là Sinh viên Việt NamHoa học trò. Các ấn phẩm Hoa học trò, Thiên Thần nhỏSinh viên Việt Nam là của tờ báo Sinh viên Việt Nam trước đây, được sáp nhập vào báo Tiền Phong.

Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn cũng cho biết, Tiền Phong cũng là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam thành lập công ty bên cạnh tờ báo – Công ty CP Tiền Phong chủ yếu kinh doanh về lĩnh vực nhà sách, văn hoá phẩm và tham gia các hoạt động quan trọng khác của báo.

(Liên đoàn các Nhà báo Thái Lan thăm và làm việc tại báo Tiền Phong ảnh 3

Ban Biên tập báo Tiền Phong tại cuộc làm việc. (Ảnh: Như Ý)

Cùng với đó, Tiền Phong cũng là tờ báo tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, xã hội, thiện nguyện nhiều nhất trong các tờ báo của Việt Nam, trong đó có nhiều sự kiện mang tầm cỡ quốc gia.

Hằng năm, trung bình báo Tiền Phong tổ chức 40-50 sự kiện, trong đó có 10 sự kiện lớn nhất. Trong đó, Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, có nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng, chăm lo cho các tài năng trẻ, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn; hằng năm quỹ bình chọn 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Hoạt động Ngày Chủ nhật Đỏ hiến máu tình nguyện, do báo Tiền Phong sáng lập 15 năm trước và được tiến hành hằng năm. Đây là một trong ba phong trào hiến máu tình nguyện lớn nhất hiện nay của Việt Nam, được tổ chức tại 50 tỉnh, thành, tiếp nhận 50 – 60 nghìn đơn vị máu mỗi năm, góp phần lan toả tinh thần hiến máu tình nguyện đến rất nhiều người trên khắp cả nước.

Liên đoàn các Nhà báo Thái Lan thăm và làm việc tại báo Tiền Phong ảnh 4

Ảnh: Như Ý

Bên cạnh đó là sự kiện Hoa hậu Việt Nam, được tổ chức 2 năm/lần và đã được tổ chức 35 năm nay; hay Giải Vô địch Quốc gia Marathon; Siêu Cúp bóng đá quốc gia; Giải vô địch Golf Quốc gia; Học bổng nâng bước thủ khoa…

Tiền Phong cũng là tờ báo đầu tiên ở miền Bắc tự chủ về kinh tế từ những năm 1974. Tiền Phong xuất phát một tờ báo của Đoàn Thanh niên và tuổi trẻ Việt Nam, trong quá trình phát triển cũng trở thành tờ báo chính trị, xã hội, được đánh giá cao.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Chavarong Limpattamapanee chúc mừng báo Tiền Phong khi sắp tròn 70 tuổi; ông cũng bày tỏ ấn tượng về tờ báo với sự năng động, tự chủ, trong đó Tiền Phong điện tử là một trong 10 tờ báo có lượng đọc nhiều nhất, có uy tín nhất của Việt Nam. Ông cũng bày tỏ ấn tượng với sự chuyển đổi, đưa báo điện tử trở thành “đầu tàu” thay thế cho báo in – vốn đang gặp rất nhiều khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở Thái Lan.

Liên đoàn các Nhà báo Thái Lan thăm và làm việc tại báo Tiền Phong ảnh 5

Ảnh: Như Ý

12 năm trước, ông cũng là một trong những người tập hợp lại các nhà báo online tại Thái Lan, thành lập Hội nhà báo online, để bảo vệ bản quyền làm báo của mình, đưa ra quy định, ai sử dụng thông tin, bài viết mà không được sự cho phép, sẽ khởi kiện.

Tại cuộc làm việc này, các đại biểu cũng chia sẻ, trao đổi về kinh nghiệm cũng như xu hướng phát triển của báo chí, đặc biệt, loại hình báo giấy còn hay mất trong tương lai.

Về vấn đề này, các đại biểu cũng cho biết, hiện loại hình báo in cũng đang gặp rất nhiều khó khăn ở Thái Lan, nhiều tờ báo phải chuyển đổi sang báo điện tử hoàn toàn và hiện vẫn đang “đủ sống với thu nhập từ tờ báo”.

Liên đoàn các Nhà báo Thái Lan thăm và làm việc tại báo Tiền Phong ảnh 6

Đoàn thăm phòng làm việc của phóng viên tại trụ sở 15 Hồ Xuân Hương. (Ảnh: Như Ý)

Tuy nhiên, cũng có đại biểu đến từ Thái Lan vẫn tin tưởng, loại hình báo in sẽ không biến mất trong tương lai. “Khi chạm vào tờ báo, ngửi thấy mùi giấy sẽ có cảm nhận đặc biệt thay vì lướt lướt qua những thông tin trên trên điện tử. Có thể trong tương lai, xu hướng người đọc sẽ trở lại với phong cách đọc báo giấy”, một đại biểu trong đoàn chia sẻ.

Cuối buổi làm việc, Đoàn đại biểu đã thăm Công ty CP Tiền Phong và phòng phóng viên tại trụ sở báo Tiền Phong.

Tin liên quan