Tại cuộc họp báo tại Cục Hàng không chiều nay (21/11), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh - cho biết, Cục Hàng không đã tổ chức họp với các bên liên quan và đánh giá ban đầu cho thấy, nguyên nhân trực tiếp là do nhân viên kiểm soát viên không lưu làm hiệp đồng lơ là.
Trong ca trực, nhân viên hiệp đồng có trách nhiệm canh-nghe (nghe thông tin) từ các vùng thông báo bay khác (FIR) và chỉ huy quân sự để thông báo lại cho trưởng kíp trực, tuy nhiên việc thông tin đã không chính xác.
Ca trực ngày 29/10, kiểm soát viên hiệp đồng còn có nhiệm vụ làm cầu nối giữa người trực chỉ huy của bên dân dụng và Chỉ huy quân sự cùng ngồi điều hành trong ACC/HCM. Trong đó, điều hành bay dân dụng trao đổi với phi công bằng tiếng Anh, điều hành bay quân sự trao đổi với phi công quân sự bằng tiếng Việt.
Nhưng do không tập trung nên kiểm soát viên hiệp đồng đã không nghe thấy huấn lệnh cho chuyến bay VN1376 của Vietnam Airlines cất cánh để thông báo cho người trực chỉ huy quân sự, dẫn đến tình huống máy bay Mi127 của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng được lệnh cất cánh. Trong bản tường trình, kiểm soát viên trực hiệp đồng đã thừa nhận sai sót nói trên.
Tuy nhiên, báo cáo của Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam trước đó khẳng định, thời điểm chỉ huy quân sự cho Mi172/423 cất cánh thì vị trí của chuyến bay VN1376 ở điểm chờ đường CHC 25R và đã nhận được huấn lệnh cất cánh. Chỉ huy quân sự đã thiếu quan sát hoạt động bay của hàng không dân dụng trên màn hình ra đa hoặc bằng mắt, không hiệp đồng với kiểm soát không lưu tại Tân Sơn Nhất.
Cùng đó, Tổng Công ty Quản lý Bay cũng thông tin rằng, thời gian gần đây xảy ra một số sự cố liên quan đến công tác phối hợp hiệp đồng giữa bay quân sự và hàng không dân dụng, gây ảnh hưởng đến an toàn bay.
Về việc này, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay, cuộc họp giữa Cục Hàng không, Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị có liên quan đã đánh giá tổng thể sự cố và phân tích những diễn biến xảy ra, từ đó xác định nguyên nhân là do lỗi của kiểm soát viên không lưu hiệp đồng, chưa có đánh giá về nguyên nhân từ chỉ huy quân sự, chưa có cơ sở để kết luận lỗi của chỉ huy bay quân sự để xảy ra vi phạm phân cách tối thiểu.
Cũng theo vị Cục trưởng này, việc phối hợp hiệp đồng bay giữa quân sự và dân dụng rất tốt, hệ thống quy chế đã đầy đủ hoàn thiện. Tuy nhiên, sự cố vẫn xảy ra mà nguyên nhân trực tiếp trong từng sự vụ cụ thể có thể có sự xao lãng trong phối hợp.
“Kíp trực điều hành bay chuyến bay VN1376 hôm 29/10 đã bị đình chỉ, tổ điều tra sự cố cũng đã được thành lập. Chúng tôi sẽ phối hợp với bên quân sự để điều tra làm rõ chính xác nguyên nhân sự cố và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến sự cố nghiêm trọng này” – Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định.
Trong khi đó, trả lời PV Dân trí về công tác huấn luyện ngày 29/10 là nằm trong kế hoạch hay là hoạt động huấn luyện đột xuất khi xảy ra sự cố, Đại tá Hà Đức Tuế - Trưởng phòng Quản lý điều hành bay, Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng phòng không không quân - cho biết, hoạt động bay huấn luyện của quân sự ngày 29/10 nằm trong kế hoạch có từ trước và đã được thông báo, phối hợp hiệp đồng với hàng không dân dụng, đây không phải hoạt động huấn luyện tác chiến đột xuất.
An toàn hàng không là ưu tiên số 1, là điều kiện sống còn đảm bảo phát triển bền vững của ngành hàng không. Vấn đề đảm bảo an toàn và vấn đề kỹ thuật là yếu tố đầu tiên của chất lượng dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là nguyên tắc và mục tiêu bất di bất dịch, nhưng đáng tiếc là vẫn có nhiều sự cố gây mất an toàn hàng không đã xảy ra.
Theo Châu Như Quỳnh