LHQ không tấn công quân sự Triều Tiên

LHQ không tấn công quân sự Triều Tiên
TP - Bàn việc trừng phạt Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố lần đầu tiên thử thành công vũ khí nguyên tử, LHQ cho biết sẽ có biện pháp cứng rắn nhưng không tấn công quân sự Triều Tiên.
LHQ không tấn công quân sự Triều Tiên ảnh 1
Người Hàn Quốc xem tin tức vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Ngày 10/10 tại New York (Mỹ), 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) bắt đầu cuộc thảo luận kín về bản dự thảo Nghị quyết cấm vận CHDCND Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố lần đầu tiên thử thành công vũ khí nguyên tử.

Trước đó, chiều 9/10, HĐBA đã có cuộc họp khẩn cấp bàn biện pháp đối phó thích hợp. Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Kenzo Oshima, hiện là Chủ tịch HĐBA, cho biết tất cả 15 nước thành viên đều lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên thử hạt nhân và cho rằng HĐBA cần có những hành động cứng rắn, rõ ràng hơn, nhưng sẽ không có việc tấn công quân sự.

Trong 5 nước thường trực HĐBA có quyền phủ quyết, Mỹ, Anh và Pháp ủng hộ mạnh mẽ cho bản dự thảo Nghị quyết cứng rắn hơn đối với Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố thử thành công vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, đến nay Nga và Trung Quốc vẫn chưa tỏ thái độ rõ ràng về việc ủng hộ hay phản đối bản dự thảo Nghị quyết cứng rắn đối với Triều Tiên.

Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc và Nga từng dùng quyền phủ quyết tại HĐBA để phản đối bản dự thảo Nghị quyết do Nhật Bản đề xuất chống lại Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ bắn thử 7 quả tên lửa.

Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nói rằng HĐBA cần thảo luận thêm về các biện pháp cứng rắn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bác bỏ lệnh cấm vận, nhưng đề nghị HĐBA tiếp tục “trao đổi ý kiến về những bước đi tiếp theo” nhằm vào Triều Tiên và còn khẳng định hành động quân sự trong trường hợp này là điều không thể tưởng tượng.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Myung-sook cũng tuyên bố Seoul sẽ không ủng hộ một nghị quyết bao gồm cả việc đe dọa bằng lực lượng quân đội.

Đại sứ Mỹ tại LHQ John Bolton nói rằng Mỹ không bao giờ loại trừ khả năng sử dụng vũ lực, nhưng hiện nay họ đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân thông qua HĐBA.

Gia nhập câu lạc bộ hạt nhân ?

Bản dự thảo Nghị quyết theo đề xuất của Mỹ với 13 biện pháp, bao gồm cả việc kiểm duyệt các tàu chở hàng ra vào Triều Tiên, cấm vận những mặt hàng có thể được Bình Nhưỡng sử dụng trong chương trình hạt nhân hoặc chế tạo tên lửa.

Mỹ còn đề nghị phong toả các tài khoản liên quan đến việc chế tạo vũ khí của Triều Tiên. Nhật Bản tuyên bố phải cứng rắn hơn nữa như cấm máy bay, tàu thuỷ Triều Tiên ra khỏi lãnh thổ; cấm các nước trên thế giới nhập khẩu hàng hoá Triều Tiên và không đón tiếp các quan chức cấp cao của Triều Tiên ra nước ngoài.

Australia đề nghị những biện pháp khác liên quan đến việc cấm cấp thị thực cho công dân Triều Tiên và sẵn sàng ủng hộ bất kỳ điều khoản nào trong dự thảo…

Triều Tiên từ lâu đã tuyên bố có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, vụ thử hạt nhân sáng 9/10 lần đầu tiên chứng minh cho các tuyên bố trước đó của Triều Tiên.

Nếu vụ thử thực sự xảy ra, Triều Tiên trở thành thành viên câu lạc bộ hạt nhân, bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.

Israel cũng bị nghi ngờ có bom hạt nhân nhưng không có tuyên bố chính thức nào.

Tình báo Hàn Quốc dựa trên các thông tin thu thập được cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành thêm nhiều vụ thử hạt nhân nữa.

Khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu được châm ngòi từ năm 1989 khi ảnh chụp từ vệ tinh của Mỹ tiết lộ về các nhà máy nguyên tử ở Yongbyon, nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ thông tin này.

Trí Đường
Tổng hợp

MỚI - NÓNG