“Mười ngày trước, tôi đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở mọi nơi trên thế giới để tăng cường hoạt động ngoại giao, giúp tạo điều kiện chuyển giao đồ viện trợ cứu mạng và đem lại hy vọng cho những nơi dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi này bắt nguồn từ sự nhận thức căn bản rằng, chỉ nên có một cuộc chiến duy nhất trên thế giới hiện nay – trận chiến chung chống COVID-19.
Chúng ta biết rằng, đại dịch đang gây ra những hệ quả sâu rộng về xã hội, kinh tế và chính trị, bao gồm những vấn đề liên quan hòa bình và an ninh quốc tế. Ví dụ, chúng ta thấy các cuộc bầu cử bị hoãn hoặc khả năng đi bỏ phiếu bị hạn chế, việc di chuyển bị hạn chế trong thời gian dài, thất nghiệp tăng mạnh và các nhân tố khác có thể khiến căng thẳng chính trị và bất mãn gia tăng. Ngoài ra, các tổ chức khủng bố hoặc cực đoan có thể trục lợi từ sự bất ổn do đại dịch lây lan gây ra.
Tuy nhiên, lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu đang được hưởng ứng khắp thế giới. Lời kêu gọi đang được ngày càng nhiều quốc gia thành viên, đến nay đã có khoảng 70, rồi các đối tác khu vực, các tổ chức không phải là nhà nước, các mạng lưới và tổ chức xã hội dân sự cùng tất cả sứ giả hòa bình và ủng hộ các mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp quốc phê chuẩn.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo, bao gồm Giáo hoàng Francis đã bổ sung tiếng nói đạo đức trong việc ủng hộ lệnh ngừng bắn toàn cầu cũng như công dân các nước thông qua vận động online ở cấp cơ sở. Ví dụ, lời kêu gọi của tổ chức phi chính phủ Avaaz đã tập hợp được sự ủng hộ của hơn 1 triệu người. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với tất cả mọi người.
Hôm nay, tôi công bố bản cập nhật về tác động của lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu.
Một số lượng lớn các bên tham gia các cuộc xung đột đã bày tỏ chấp thuận lời kêu gọi. Theo thông tin mới nhất, đó là các bên tham gia xung đột ở những nước sau: Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Colombia, Libya, Myanmar, Philippines, Nam Sudan, Sudan, Syria, Ukraine và Yemen.
Nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa tuyên bố và hành động, giữa việc biến lời nói thành hòa bình trên mặt đất và trong cuộc sống con người. Khó khăn chồng chất khi thực hiện vì các cuộc xung đột đã kéo dài nhiều năm và sự không tin tưởng nhau đã ở mức cao, rồi có nhiều sự nghi ngờ cũng như có nhiều kẻ phá đám. Chúng ta biết rằng, bất kỳ thành quả ban đầu nào cũng mong manh và dễ bị đảo ngược. Và trong nhiều tình huống nghiêm trọng nhất, chúng ta chưa nhìn thấy giao tranh giảm đi, thậm chí một số cuộc xung đột còn gia tăng.
Chúng ta cần các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để vượt qua những thách thức này. Để yên tiếng súng, chúng ta phải cất cao tiếng nói hòa bình.
Trong tất cả những tình huống này, các đại diện đặc biệt, đặc sứ của tôi cùng các điều phối viên thường trú ở một số nước – những người được tổng hành dinh hỗ trợ hết sức mỗi khi cần và được tôi can dự với tư cách cá nhân – đang kết nối với các bên xung đột để giúp thúc đẩy ngừng bắn trên thực địa, coi đây là điều kiện tiên quyết để có hòa bình lâu dài.
Cho phép tôi được đưa ra 4 ví dụ về việc thúc đẩy ngoại giao mạnh mẽ kiểu này. Ở Yemen, bất chấp sự ủng hộ ngừng bắn của chính phủ, Ansar Allah và nhiều bên khác, bao gồm Bộ chỉ huy lực lượng liên hợp, xung đột vẫn gia tăng. Đặc sứ của tôi đang làm việc để chuẩn bị cho việc nhóm họp các bên nhằm thảo luận quản lý khủng hoảng COVID-19 và cơ chế ngừng bắn toàn quốc. Tôi kêu gọi tất cả các chính phủ và phong trào liên quan cùng những người ủng hộ họ chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc và cơn ác mộng nhân đạo này, và tiến tới bàn đàm phán.
Ở Syria, nơi đã ghi nhận các ca tử vong đầu tiên liên quan COVID-19, đặc sứ của tôi kêu gọi ngừng bắn toàn quốc “toàn diện và ngay lập tức” để tập trung mọi nỗ lực chống dịch COVID-19. Thỏa thuận ngừng bắn ở thành phố Idlib mà Thổ Nhĩ Kỳ và Liên bang Nga thương thảo trước đó đang được duy trì. Nhưng, điều quan trọng là cần có một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn trên phạm vi toàn quốc có hiệu lực để tất cả những người thống khổ trong thập kỷ qua có thể tiếp cận trợ giúp nhân đạo.
Ở Libya, Chính phủ đoàn kết dân tộc và Quân đội quốc gia Libya của Tổng tư lệnh Marshal Khalifa hoan nghênh lời kêu gọi chấm dứt giao tranh. Tuy nhiên, các cuộc xung đột vẫn leo thang trên mọi mặt trận, cản trở nỗ lực ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19. Tôi thúc giục cả hai bên và tất cả những bên khác trực tiếp hoặc gián tiếp dính dáng cuộc xung đột này ngay lập tức dừng mọi hoạt động thù địch để giới chức có thể xử lý nguy cơ COVID-19 một cách hiệu quả, bảo đảm sự tiếp cận thông suốt đối với viện trợ nhân đạo và thực hiện việc ngừng bắn mà họ đang thảo luận dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Cuối cùng, ở Afghanistan, nơi giao tranh gia tăng, ngày 26/3, người ta thông báo rằng, một nhóm 21 thành viên, gồm 5 phụ nữ đã được thành lập để đàm phán trực tiếp với Taliban. Chính phủ và Taliban cũng đã thành lập các đầu mối kỹ thuật để thực hiện việc phóng thích tù nhân ban đầu. Tôi tin rằng đã đến lúc chính phủ và Taliban ngừng thù địch vì đại dịch COVID-19 đang bao phủ đất nước. Tôi cam kết ủng hộ hết sức.
Trong tất cả những tình huống khó khăn ngặt nghèo này cũng như ở những nơi khác, tôi đặc biệt kêu gọi tất cả các nước có ảnh hưởng với các bên phát động chiến tranh hãy làm mọi việc có thể để sự ngừng bắn trở thành hiện thực. Tôi kêu gọi tất cả những ai có thể tạo ra sự khác biệt hãy tạo ra sự khác biệt đó, thúc giục và gây sức ép để các chiến binh khắp thế giới hạ vũ khí.
Vẫn còn cơ hội cho hòa bình nhưng vẫn ở rất xa chúng ta. Nhu cầu hòa bình là rất cấp thiết. Cơn bão COVID-19 đang tới mọi ngóc ngách của xung đột. Virus đã chứng tỏ nó có thể vượt biên giới, tàn phá các nước và tước đoạt mạng sống nhanh như thế nào. Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Chúng ta cần làm mọi điều có thể để tìm được hòa bình và sự đoàn kết mà thế giới chúng ta đang rất cần để chống COVID-19. Chúng ta phải huy động mọi năng lượng để đánh bại đại dịch”.