Tháng trước, nhiều người khắp Ấn Độ và ở nước ngoài tham dự một sự kiện tôn giáo ở một giáo đường Hồi giáo ở New Delhi, CNN ngày 4/4 dẫn lời ông Lav Agarwal, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ.
Đến nay, 647 bệnh nhân COVID-19 liên quan vụ tập trung ở giáo đường. Họ đến từ 14 bang và lãnh thổ liên bang.
Chính quyền New Delhi nói rằng, họ sẽ nghiêm khắc xử lý những người chịu trách nhiệm tổ chức sự kiện tôn giáo hồi tháng 3.
“Nhiều người đã rời giáo đường và đi tới nhiều vùng khác nhau của đất nước. Thật đáng sợ khi nghĩ tới số người có thể đã bị ảnh hưởng bởi vụ việc này”, ông Arvind Kejriwal, thủ hiến vùng lãnh thổ thủ đô Delhi, nói.
Tính đến tối 4/4, Ấn Độ có 3.082 ca mắc COVID-19 với 86 trường hợp tử vong, theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Ấn Độ hiện đang trong tình trạng phong tỏa toàn quốc nhằm chặn đà lây lan của đại dịch. Giao thông công cộng tạm dừng hoạt động, các dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa.
Cả nhà 13 người mắc COVID-19
Một gia đình gồm 2 vợ chồng và 11 người con ở thành phố Valladolid thuộc miền tây bắc Tây Ban Nha đều nhiễm coronavirus mới và đang được cách ly tại nhà, Daily Mail đưa tin ngày 3/4.
Trong gia đình ông Cebrian Gervas, vợ ông (bà Irene Gervas) là người đầu tiên trong nhà có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus mới.
Tổng cộng 11 người con, gồm Carmen (15 tuổi), Fernando (14 tuổi), Luiz (12 tuổi), Juan Pablo (11 tuổi), cặp sinh đôi Miguel và Manuel (10 tuổi), Alvaro (8 tuổi), Irene (5 tuổi), Alicia (4 tuổi), Helena (3 tuổi), và Jose Maria (1 tuổi) đều mắc bệnh với tình trạng sức khỏe khác nhau.
Ông Cebrian Gervas nói với báo chí địa phương rằng, đầu tiên, bọn trẻ thay nhau ốm, đau đầu, nôn… “Bác sĩ bảo chúng tôi rằng chúng tôi phải ở nhà ít nhất thêm 2 tuần theo lệnh phong tỏa tuyệt đối vì chúng tôi có tải lượng virus cao. Nếu đi ra ngoài, chúng tôi có thể tạo ra một ổ dịch ở Valladolid”, ông nói.
Gia đình ông Cebrian Gervas cách ly tại nhà kể từ khi có kết quả dương tính hôm 14/3 – ngày Tây Ban Nha thông báo gia hạn tình trạng báo động vì đại dịch COVID-19.
Gia đình ông hiện nhờ đến họ hàng và cậu con trai 14 tuổi để xử lý các tình huống liên quan thuốc men, thực phẩm… “Họ hàng để thực phẩm ở trong garage và con trai tôi sẽ ra lấy”, ông Cebrian Gervas nói.
Hôm nay (4/4), Tây Ban Nha có thêm 809 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số lên 11.744, Bộ Y tế nước này thông báo.
Số ca tử vong hôm nay tăng 7,3% so với hôm qua nhưng vẫn là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 26/3.
Tính đến thứ Năm, hơn 10.000 bệnh nhân ở Tây Ban Nha tử vong, khiến nước này trở thành 1 trong 2 nước trên thế giới có số ca tử vong vượt mốc này. Nước có số ca tử vong lớn nhất thế giới hiện nay là Italy – 14.681 (tính đến tối 4/4).
Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến tối 4/4, Tây Ban Nha có tổng số 119.199 bệnh nhân COVID-19 với 11.744 người tử vong.
Thủ tướng Đức thúc giục dân hạn chế đi lại
Trong 24 giờ qua, Đức có thêm 141 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 1.158, theo Viện Robert Koch (cơ quan kiểm soát dịch bệnh của nước này). Trong khi đó, số ca mắc mới tăng 7% lên 85.778.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua nói rằng, tốc độ lây lan của coronavirus mới ở Đức giảm hơn một chút so với mấy hôm trước, và “còn quá sớm để nới lỏng các quy định nghiêm ngặt” để hạn chế dịch bệnh lan rộng.
Bà Merkel nói rằng, sẽ là “cực kỳ vô trách nhiệm” nếu ấn định ngày sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại. Bà thúc giục người dân tranh đi lại nhiều trong dịp lễ Phục sinh sắp tới.