Dự án được tiến hành bởi trường Đại học Southampton với tham vọng gieo những mầm sống đầu tiên lên sao Hỏa. Họ dự định trồng xà lách trong một nhà kính với sự hỗ trợ của không khí và ánh mặt trời.
Thí nghiệm trồng xà lách nằm trong 10 dự án hiếm hoi trên toàn cầu và là dự án duy nhất từ Vương quốc Anh được tổ chức phi lợi nhuận Mars One chọn làm gói hàng thử nghiệm gửi lên hành tinh đỏ vào năm 2018. Hành động này nhằm tạo bước đệm cho kế hoạch thành lập một khu định cư cho loài người trên sao Hoả từ 2023.
Cô Suzanna Lucarotti chủ dự án “Xà lách xanh trên hành tinh đỏ” cho biết: “Để có thể sinh sống ở hành tinh khác chúng ra phải tạo ra thực phẩm nơi đó. Chưa có ai gieo trồng cây gì trên sao Hỏa vậy thì chúng tôi sẽ là những người đầu tiên. Đây là việc cần thiết nên tiến hành ngay nhằm tạo nhiều cơ hội nghiên cứu cho giới khoa học”.
Để xà lách có thể sinh trưởng nơi sao Hỏa, một ngôi nhà kính sẽ được mang từ Trái đất lên hành tinh khắc nghiệt đó cùng với hạt xà lách, nước sạch, chất dinh dưỡng cùng hệ thống máy móc điều khiển không khí, nhiệt độ, độ ẩm.
Trong quá trình bay vào vũ trụ, cỗ máy này sẽ được tắt nguồn còn những hạt mầm thì được đông lạnh để bảo quản. Khi tàu vũ trụ tiếp đất an toàn, các phi hành gia của Mars One sẽ lắp đặt ngôi nhà kính và khởi động hệ thống sưởi ấm để duy trì nhiệt độ từ 21 đến 24 độ C. Khí CO2 cần thiết cho sự sinh tồn của thực vật được tách ra từ bầu khí quyển sao Hỏa rồi dẫn thẳng vào buồng kính.
Nếu theo đúng lộ trình, xà lách sẽ đơm chồi nảy lộc mà không cần có đất, chúng sẽ thường xuyên được hệ thống tự động tưới nước và chất dinh dưỡng.Những hình ảnh sống động về quá trình phát triển từ hạt mầm cho đến cây xà lách trưởng thành sẽ được vệ tinh phát về Trái đất cho toàn thế giới chiêm ngưỡng.
Tuy nhiên loài người chỉ có thể nhìn ngắm từ xa chứ chưa được nếm thử món salad rau đặc biệt này bởi sau khi nhiệm vụ hoàn thành, nhóm nghiên cứu sẽ đột ngột làm tăng nhiệt độ trong nhà kính lên đến cực đại, tiêu hủy hết dấu vết sự sống của những luống xà lách thử nghiệm.