Lên non cao chữa bệnh cho dân nghèo

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu thăm khám cho bé gái Giàng Thị Du Lăm ở bản Chuyên Gia 1 (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé). Ảnh: Nguyễn Minh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu thăm khám cho bé gái Giàng Thị Du Lăm ở bản Chuyên Gia 1 (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé). Ảnh: Nguyễn Minh.
TP - Rời Thủ đô, tình nguyện lên Mường Nhé (Điện Biên) công tác, hành trình của bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu như một câu chuyện cổ tích ấm áp yêu thương giữa đời thường về tình người và y đức. Anh vừa được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017.

Thương bệnh nhi như con ruột

Quãng đường từ huyện Mường Lay tới Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé - nơi bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu đang cứu chữa bệnh cho các em nhỏ và người dân, hơn 100km đi mất gần 7 tiếng đồng hồ. Đường hẹp và rất xấu. Những đoạn sạt lở nghiêm trọng từ đợt lũ quét mấy tháng trước vẫn còn ngổn ngang bung bét trên con đường đã xuống cấp. Chúng tôi tới thị trấn Mường Nhé lúc tối mịt.Thị trấn nhỏ chưa có khách sạn. Nhà chị chủ quán cơm bình dân Nguyệt Đồng Quán mở thêm mấy phòng nghỉ kinh doanh. Hỏi chuyện về bác sỹ Hiếu, chị cười tươi nói: “Bác sĩ Hiếu từ Hà Nội lên chứ gì. Bác sĩ khám nhi. Người tốt đấy. Quý trẻ con lắm. Còn mua quần áo mới cho các cháu đến khám chữa bệnh…”. Ở đây ai cũng biết bác sĩ Hiếu. Ngày nào anh cũng xách làn đi chợ mua đồ về tự nấu ăn. Có ai biếu con cá, con gà bác sĩ đều trả lại, vì ăn chay.

Gặp bác sĩ Hiếu ngay tại phòng điều trị bệnh nhi, anh bảo chúng tôi phải đợi sau khi khám xong cho các bệnh nhân mới có thể trò chuyện. Có nhiều bệnh nhân đang chờ tới lượt khám, chúng tôi có cơ hội được quan sát anh làm việc.

“Cháu thế nào rồi? Đã chịu bú chưa?” - bác sĩ Hiếu ân cần hỏi thăm cặp vợ chồng trẻ ở bản Na Cô Sa 1 (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) có con 30 tháng tuổi bị bệnh tiêu chảy. Dỗ dành các cháu nhỏ và dùng ống nghe để kiểm tra đánh giá tim, phổi xong, anh quay sang dặn dò kỹ lưỡng nữ y tá trẻ cách thức chăm sóc các bệnh nhi.

Sang phòng thứ 2, anh bước vội tới giường bệnh góc trong cùng, nơi bé gái 18 tháng tuổi Giàng Thị Du Lăm mới được bố mẹ đưa vào trung tâm lúc 2 giờ sáng. Bị tiêu chảy, mất nước, cộng với sương đêm vì bố chở bằng xe máy từ bản Chuyên Gia 1 (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé) đã khiến bé hạ nhiệt độ rất nguy hiểm. Ngay lúc mới nhập viện, bác sĩ Hiếu đã ủ ấm cho cháu bé bằng máy sưởi và theo dõi sát sao. Thăm khám cho bé Lăm xong, bác sĩ Hiếu quay sang chúng tôi tươi cười nói: “Cháu đỡ dần rồi anh ạ. Đêm qua ai cũng lo cho cháu…”. Cứ thế, hàng chục bệnh nhân đang điều trị nội trú hôm đó đều được bác sĩ Hiếu trực tiếp thăm khám tận tình. Anh luôn dỗ dành các bệnh nhi và động viên người thân các cháu.

“Nơi nào dân sống được thì tôi sống được”

Có tiền sử hút thuốc nhiều năm, cụ Lù Văn Xám (88 tuổi, người dân tộc Kháng, ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé) sống chung với căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim nhiều năm nay. Thường xuyên phải vào trung tâm trong tình trạng khó thở, tức ngực, cụ Xám luôn được bác sĩ Hiếu và các đồng nghiệp chăm sóc tận tình. Chị Lù Thị Tiền, con gái cụ Xám tâm sự: “Bác sĩ Hiếu tốt lắm, không cáu với bệnh nhân bao giờ. Mỗi khi ông cụ bị đau, dù đang ngủ thì bác sĩ cũng thức dậy kiểm tra sức khỏe cho bố tôi. Mỗi lần ông cụ được về nhà, bác sĩ lại dặn là phải ăn nhiều rau, thịt chứ không được ăn cá vì sẽ gây ho”.

Sau khi đi theo bác sĩ Hiếu “điểm danh” tại tất cả các giường bệnh, chúng tôi được trò chuyện với anh trên chiếc ghế băng ở hành lang cạnh khoa Nội - Nhi, giữa cái mùi hăng hắc thuốc men, bông gạc y tế. Anh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Đại học Y Hà Nội năm 2014, sau đó trúng tuyển vào Bệnh viện Thanh Nhàn.Khi biết thông tin về dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (Dự án 585 của Bộ Y tế), Hiếu xung phong ngay. “Tôi tình nguyện đi bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Nơi nào dân sống được thì tôi cũng có thể sống được”, Hiếu khẳng định trong lá đơn tình nguyện.

Sau hai năm đào tạo chuyên khoa 1 chuyên ngành nhi khoa, tháng 8/2017, Hiếu đặt chân lên Mường Nhé - huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên, nhận công tác. Ba tháng một lần, anh phải đi nhiều chặng xe, vượt quãng đường 800 cây số về thăm vợ và hai con nhỏ mới 21 tháng và 4 tháng tuổi. Khó khăn, thiếu thốn tình cảm vợ chồng, nhưng bác sĩ Hiếu không lúc nào quên sứ mệnh y đức mà anh đã nhận lãnh với đồng bào biên giới. Tranh thủ những lúc khám bệnh, anh lại tập nói tiếng dân tộc từ chính các bệnh nhân và người nhà họ. Kiên trì nhiều tháng, anh đã có vốn từ tiếng Mông (người Mông chiếm tỷ lệ hơn 65% dân số ở Mường Nhé) đủ giúp mình có thể giao tiếp thông thường. Các bệnh nhân càng thêm quý trọng anh bởi một người dưới xuôi lên không chỉ chữa bệnh mà còn biết nói tiếng của họ.

Bác sĩ Hiếu phụ trách khoa Nội- Nhi, nhưng do trung tâm đang thiếu bác sĩ, anh còn đảm nhiệm vai trò của một bác sĩ đa khoa. Hiện anh còn đang làm chủ nhiệm đề tài “Mô hình bệnh tật tại khoa Nội - Nhi, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé”. “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là các cháu mau khỏi bệnh, khỏe mạnh khi ra viện. Đêm trước hôm lên đường đi Mường Nhé, hai vợ chồng tôi tâm sự mãi, bảo nhau là chuyến đi này dù dài, dù khó khăn cũng gắng đến đích. Đi để tình nguyện đóng góp cho nơi đang cần mình. Cứu người còn hơn xây tháp cơ mà”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Lúc chia tay chúng tôi, bác sĩ Hiếu bộc bạch về một dự định đặc biệt: đưa cả gia đình lên gắn bó lâu dài với mảnh đất Tây Bắc có đại ngàn trùng sơn gió mát. Nơi đây dù còn nghèo khó, nhưng anh đã cảm nhận được tình người chân thật cùng sự thanh thản kỳ lạ trong tâm hồn...

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu từng bị viêm cột sống dính khớp. Sau một thời gian điều trị, tuy bệnh đã ổn định nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Vợ anh là cô giáo tiểu học ở Hà Nội phải dùng hormon thay thế cả đời do suy giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp và mắc thêm lao hạch. Cả hai bị bệnh tật nhưng vợ chồng anh sống rất lạc quan, cùng nhau hướng tới những việc thiện nguyện. Dịp tết vừa qua, vợ chồng anh đã kêu gọi quyên góp được 25 bao quần áo dành tặng học sinh trên Mường Nhé.

Lên non cao chữa bệnh cho dân nghèo ảnh 1  
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".