Lễ hội văn minh, hướng thiện - làm thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, các vấn đề bạo lực, phản cảm của lễ hội đều có thể được hóa giải nếu được tổ chức tốt. Ảnh: Phạm Hùng.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, các vấn đề bạo lực, phản cảm của lễ hội đều có thể được hóa giải nếu được tổ chức tốt. Ảnh: Phạm Hùng.
TP - Không chỉ nói về những điều muôn năm cũ như hỗn loạn, bạo lực lễ hội đầu xuân, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đề xuất giải pháp đối với những lễ hội phản cảm, gây bức xúc.

Khoảng 8.000 lễ hội mỗi năm, ngày càng biến tướng và nâng cấp quy mô một cách vô lối đang ngày càng gây bức xúc và đáng báo động, thưa ông?

Tôi nghĩ bức xúc đó chỉ ở một số lễ hội, đếm trên đầu ngón tay, đừng vì điều đó mà đổ ụp tất cả. Tôi đi nhiều lễ hội địa phương thấy yên bình lắm, có đi mới thông cảm với người dân, đặc biệt nông dân. Họ cần văn hóa. Văn hóa lễ hội như hơi thở cuộc sống, là niềm tin tâm linh như cách nạp năng lượng cho cả năm. Việc hội làng là rất bình thường. Mới đây tôi dự hội làng Lưu Xá (Chương Mỹ) cách Hà Nội chừng 40km, rất thanh bình. Nơi nào cũng như thế thì là điều may mắn, hạnh phúc của đất nước.

Tuy thế, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của hội làng ngày nay biến tướng, người ta đi hội thường kết hợp cầu xin, cúng bái linh đình. Ông có thể lý giải thêm về điều này?

“Làm gì cũng phải có pháp luật. Pháp luật ở lễ hội càng phải nghiêm minh. Tranh cướp lộc, phá ban thờ là phá hoại trật tự trị an, phá hoại sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Pháp luật cần nghiêm trị những kẻ đó, không nên coi đó chỉ là hành động nông nổi”. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy

Đúng là có bức xúc khi niềm tin tâm linh bị thổi phồng, nhiều địa phương đi theo con đường đó để hút khách dẫn đến sự cố, quá tải. Chúng ta cần hướng họ theo con đường văn hóa. Người dân đến thăm di tích, di sản là văn hóa, đó mới là xã hội văn minh. Nếu cả xã hội đi vào con đường tâm linh thì nguy hiểm quá. Muốn như vậy thì ở những nơi vốn không phải tâm linh, đừng dựng lên tâm linh.

Ai cũng có niềm tin nhưng nên dừng ở mức độ nào đó. Niềm tin mù quáng thì kéo theo sự mê muội: Thay vì tự mình rèn luyện, giờ người ta chỉ cầu xin thánh thần.

Bộ VHTTDL vừa rồi ra hẳn Thông tư 15 về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Một số nơi có chuyển biến nhưng vài điểm nóng như đền Trần, cướp phết vẫn nhức nhối. Chẳng lẽ đành bó tay trước tâm lý đám đông, a dua. Và sự hung hăng của nhiều người Việt đã hết thuốc chữa?

Phải tổ chức các hoạt động ấy mang tính truyền thống nhưng phù hợp xã hội văn minh. Vẫn là cướp lộc may mắn nhưng phải ứng xử khác. Xem lại lễ kéo co ở Hàn Quốc, Philippines tôi thấy Hàn Quốc làm vĩ đại lắm. Kết thúc lễ kéo co, ai cũng có chiếc kéo để cắt mẩu dây thừng về lấy may ném lên nóc nhà hoặc đặt trên ban thờ. Niềm tin về sự may mắn rất văn minh, phù hợp nhu cầu xã hội hiện đại. Cho nên ngành văn hóa phải có trách nhiệm đưa ra các hình thức tổ chức văn minh, khoa học.

Chỗ nào bạo lực phải tìm giải pháp, cái gì cũng có giải pháp hết. Hội Gióng đền Sóc năm nay có chuyển biến, sắp tới đền Trần, cướp phết đều phải thay đổi. Ở Yên Tử chẳng hạn, một bên chùa nhốn nháo, bên Thiền viện Trúc Lâm rất lề lối, không có chuyện nhếch nhác gài tiền lên tay tượng Phật. Nói vậy để thấy cùng là người Việt nhưng môi trường khác nhau sẽ hành xử khác nhau. Chúng ta phải tạo ra môi trường tốt, con người hướng thiện, nếu không thú tính người ta sẽ trỗi dậy.

Lễ hội văn minh, hướng thiện - làm thế nào? ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Văn Huy.

Ông có thể nói cụ thể hơn, bởi ở những lễ hội mà lộc may, vật phẩm  tranh cướp số lượng có hạn nhưng cả biển người lao vào thì thật không gì khác ngoài hỗn loạn?

Lễ hội kéo co truyền thống-di sản thế giới tại Hương Canh (Vĩnh Phúc) có tính đối kháng rất ghê. Mười năm trước họ xây sân vận động, bố trí quy củ các đội kéo co, còn người dân ngồi xem trật tự quanh khán đài, không cần công an. Đương nhiên không phải lễ hội nào cũng làm theo cách này, nhưng tinh thần ấy chính là bài học để tổ chức lễ hội trong điều kiện văn minh. Hội cướp phết chẳng hạn, không thể tạo ra công bằng, bình đẳng để ai cũng có thể xông vào cướp. BTC có thể quy định chỉ một nhóm nhỏ đại diện cho các làng, như thế thì sẽ vui vẻ.

Một loạt biện pháp xếp hàng được áp dụng ở sân bay, nơi bán vé, tại sao không đưa được vào các di tích? Sao các cơ quan không mời nhà toán học, nhà hoạch định, vận trù học, điều khiển học cùng tham gia để xử lý lộn xộn thay vì mấy anh văn hóa, công an ngồi với nhau.

Theo ông, có nên dẹp bỏ hình thức phát ấn ở đền Trần?

Lễ khai ấn và phát ấn đền Trần vốn bị đẩy lên quá đà, trước kia chỉ của vài ba làng, giờ biến thành quốc lễ. Tuy vậy nếu việc phát ấn đáp ứng nhu cầu tốt của người dân thì cũng không sao, chỉ có điều nhức nhối nhất là cách tổ chức. Khi không gian hữu hạn, con người vào thời điểm đó là vô hạn, nhà tổ chức không thể để tất cả xông vào cùng một thời điểm. Như thế chỉ có cách phá đền. Sau năm nay, Nam Định phải tổ chức thử, tạo ra con đường zic zắc khống chế 50-100 người vào một lúc. Người đi hội phải xếp hàng, chấp nhận xác suất và không được phép chen ngang dù là quan khách, người nhà BTC.

Cảm ơn ông.

Bỏ tinh thần “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”

Phần lớn lễ hội chủ yếu dành cho nông thôn, nơi thiếu thiết chế, sinh hoạt văn hóa và phù hợp hoàn cảnh “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tinh thần này đang kéo theo sự trì trệ ở các cơ quan nhà nước. “Không thể áp dụng tập tục này trong xã hội hiện đại. Dứt khoát hết nghỉ là phải đi làm, chấm dứt Tết. Hội làng dành cho cộng đồng nhỏ của làng xã. Các tổ chức nhà nước hãy tổ chức hội vào dịp nghỉ. Hiện nhiều cơ quan, tổ chức nhà nước vi phạm điều này”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy nói.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.