Pháo Đồng Kỵ (mùng 4 Tết tại Từ Sơn, Bắc Ninh) là một trong những lễ hội mở màn cho mùa hội đầu năm, cũng là lễ hội hiếm hoi giữ được những giá trị truyền thống đậm nét không bị tì vết bởi "tiêu cực". Lễ hội luôn thu hút hàng nghìn người tham gia trong không khí sôi động nhưng không có cảnh chen lấn, giẫm đạp. Tệ ăn xin, trộm cắp, hàng rong, cầu may thái quá... gần như không xuất hiện.
Hình ảnh ông quan đám múa điệu giả gái - màn diễn xướng đặc sắc cuốn hút người xem của hội rước pháo Đồng Kỵ.
Sau những tranh cãi gay gắt những năm gần đây về màn chém lợn được cho là phản cảm, lễ hội truyền thống làng Ném Thượng (mùng 6 Tết tại phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) năm nay diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng. Thay vì chém lợn giữa sân đình theo truyền thống, ban tổ chức lễ hội đã phải dựng một nhà bạt để “chém kín”. Sự thay đổi rất đáng ghi nhận của Ném Thượng phần nào làm dịu sức ép từ một số ý kiến phản đối, nhưng cũng để lại không ít những buồn rầu, tiếc nuối trong lòng người dân địa phương.
Hội Gióng (mùng 6 Tết tại Sóc Sơn, Hà Nội) năm nay diễn ra trong sự cảnh giác cao độ của lực lượng an ninh sau khi lễ hội này năm trước xảy ra bạo lực, ẩu đả để tranh cướp lộc. Cuối cùng, dù lực lượng an ninh đã vất vả trấn áp không để xảy ra bạo lực, màn tranh cướp hỗn loạn vẫn xảy ra trong ít phút. Cướp lộc cũng là hình ảnh phản cảm khá phổ biến ở một số lễ hội.
Người đi lễ đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kín cầu Thê Húc trong ngày mùng 1 Tết. Đi lễ đền, lễ phủ đầu năm là thói quen, nét đẹp văn hóa lâu đời của người Hà Nội…
… tuy nhiên đến nay, việc này đã không còn giữ được đặc trưng thanh lịch trọn vẹn. Trong ảnh, tiền lẻ rải bừa bãi dưới chân tượng ở phủ Tây Hồ trong ngày lễ đầu năm, là một trong những hình ảnh phản cảm trong việc đi lễ đền, lễ phủ đầu năm ở Hà Nội.
Hội Lim (13 tháng Giêng tại Tiên Du, Bắc Ninh) như thường lệ là lễ hội đặc sắc nhất của vùng đất Kinh Bắc. Những năm gần đây, công tác tổ chức ở hội Lim ngày càng được hoàn thiện, giúp hàng vạn du khách về chảy hội được thuận tiện.
Tuy nhiên, do ý thức kém của một số người dân, hiện tượng “găm” tiền lẻ lên tượng Phật đã xảy ra tại ngôi chùa trên đồi Lim. Dù các tình nguyện viên đã ra sức nhắc nhở, thuyết phục nhưng nhiều người vẫn cố xoa tiền, găm tiền lẻ vào giữa các ngón tay tượng, khiến hình ảnh đẹp của hội Lim không còn trọn vẹn.
Cướp Phết Hiền Quan (13 tháng Giêng tại Tam Nông, Phú Thọ) là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc nhất của vùng trung du Bắc Bộ, nơi tinh thần tập thể của thanh niên trai tráng được thể hiện đầy sức mạnh trong cuộc chơi giành lấy quả phết. Có nguồn gốc từ bài luyện quân đánh giặc ngoại xâm của nữ tướng Thiều Hoa công chúa, thoạt nhìn cảnh trai tráng cướp phết có vẻ bạo lực. Nhưng nếu để ý kỹ, người xem sẽ thấy đây là cuộc chơi quân tử và có những giới hạn “va chạm” nhất định. Các nhóm thanh niên, thường là người cùng dòng họ hoặc cùng thôn, có chiến thuật phân công nhiệm vụ rõ ràng tạo ra màn đấu sức, đấu trí vồ cùng hấp dẫn.
Tuy nhiên, giống như vài năm gần đây, hội Phết Hiền Quan năm nay xuất hiện một số thanh niên kém ý thức gây ra những ẩu đả nhỏ lẻ, làm méo mó tinh thần thể thao vô tư của trò chơi dân gian đặc sắc này.
Một trong những hình ảnh phản cảm đáng tiếc nhất trong mùa lễ hội đầu năm nay là cảnh người dân đu người lên ban thờ để rải tiền, cướp đồ thờ làm lộc sau lễ khai ấn đền Trần (đêm 14 tháng Giêng tại Nam Định). Ngoài ra, tình trạng giẫm đạp, sờ tay vào vật thiêng… cũng tái diễn vừa thể hiện ý thức kém của không ít người đi lễ, vừa thể hiện sự méo mó trong quan niệm cầu may, cầu lộc ngày nay.
Hình ảnh cảm động được cộng đồng mạng chia sẻ trong mùa lễ hội năm nay là cảnh chị Trần Thị Duyên (Hưng Yên) cõng mẹ chồng 80 tuổi đi lễ hội chùa Hương (mùng 6 Tết tại Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội). Biết tâm nguyện của mẹ chồng (mắc bệnh đau khớp) muốn một lần được đi lễ chùa Hương, chị Duyên đã không quản vất vả, cùng mẹ từ Hưng Yên đi xe đò tới chùa Hương rồi cõng mẹ lên núi trảy hội.