Lễ hội du lịch: Kích cầu thực chất thay vì bề nổi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm gần đây, các lễ hội du lịch - nghệ thuật được tổ chức sôi nổi khắp cả nước. Nhiều sự kiện mang đậm bản sắc của địa phương, là cơ hội tốt để kích cầu du lịch, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội cần mang tính bền vững, lâu dài, thay vì mải chạy theo số lượng.

Nở rộ lễ hội du lịch

Để kích cầu du lịch, tỉnh Thanh Hóa tổ chức chuỗi các sự kiện lớn tại các khu du lịch biển dịp 30/4 như lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, liên hoan đặc sản xứ Thanh, lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái, lễ hội đường phố - Carnival du lịch biển Sầm Sơn,… Nhờ các hoạt động lễ hội phong phú, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, Sầm Sơn đón 905.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 1.900 tỷ đồng.

Lấy chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 diễn ra từ 7-12/6 trùng mùa cao điểm của du lịch hè. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, với thành quả 24 năm tổ chức, Festival Huế với giá trị thương hiệu riêng trở thành ngày hội văn hóa - nghệ thuật có quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế, góp phần quảng bá điểm đến tới du khách.

Lễ hội du lịch: Kích cầu thực chất thay vì bề nổi ảnh 1

Các lễ hội du lịch đóng vai trò quảng bá hình ảnh cho điểm đến. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị vào tháng 7, mở ra hy vọng kích cầu du lịch cho mảnh đất thép. Khuôn khổ lễ hội gồm những hoạt động chính như Ngày hội đạp xe vì hòa bình (29, 30/6), lễ hội văn hóa - ẩm thực (12-14/7), đêm nhạc Trịnh Công Sơn (13/7), chương trình giao lưu âm nhạc quốc tế Giai điệu hòa bình (20/7), lễ viếng tại Thành cổ Quảng Trị, lễ hoa đăng ở bờ Nam sông Thạch Hãn...

Dịp hè này, ngành du lịch Nha Trang thu hút du khách với loạt sự kiện như liên hoan du lịch biển Nha Trang, lễ hội vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang, dự kiện đón hơn 150.000 lượt khách. Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đặt ra mục tiêu đón 9 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt trên 40 nghìn tỷ đồng.

Lễ hội sông nước TPHCM năm 2024 khai mạc ngày 1/6 trở thành điểm nhấn về sự kiện tại TPHCM khi thu hút hơn 9.000 người tham gia. Điểm nhấn của sự kiện khai mạc là chương trình nghệ thuật sân khấu mang tên Dòng sông kể chuyện - Chuyến tàu huyền thoại. Vé mời được gửi tới các công ty du lịch, lữ hành để tạo điều kiện cho du khách đến TPHCM dịp này được thưởng thức miễn phí.

Tạo sản phẩm hấp dẫn quanh năm

Ông Đoàn Ngọc Tùng, Giám đốc Cty Cổ phần Du lịch quốc tế MTV Việt Nam nhận định, nhiều địa phương nỗ lực khi tổ chức hàng loạt lễ hội xuyên suốt mùa hè thu hút du khách. “Những điểm du lịch biển như Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò… được lấp đầy bằng nhiều hoạt động lễ hội du lịch biển hoành tráng. Các địa phương cố gắng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc để chiều lòng du khách”, ông Tùng nêu.

Một số nơi chú trọng đưa vào lễ hội những yếu tố độc đáo, riêng có của địa phương như lễ hội Hoa phượng đỏ ở Hải Phòng lấy ý tưởng sân khấu là hình ảnh hoa phượng, lồng ghép nội dung quảng bá di sản thiên nhiên Quần đảo Cát Bà, lễ hội sông nước TPHCM khai mạc bằng đại nhạc kịch Chuyến tàu huyền thoại,… Khi tham gia các lễ hội du lịch, yếu tố thu hút du khách là sản phẩm gắn liền với địa phương, thay vì những chương trình nghệ thuật thiếu bản sắc hay hội chợ đơn thuần.

Carnival Hạ Long là một trong những lễ hội du lịch biển nổi bật nhất tại miền Bắc, tuy nhiên vẫn bị phản ánh chỉ đơn thuần là một cuộc trình diễn đường phố, du khách ít được tham gia vào lễ hội. Lễ hội du lịch Cửa Lò được gắn liền với lễ hội cầu ngư đặc sắc nhưng nhiều năm nay, BTC lễ hội chỉ nhấn vào những hoạt động văn hóa hiện đại như trình diễn pháo hoa, tổ chức hội chợ, tổ chức giải đua xe đạp,… làm át đi giá trị truyền thống độc đáo.

Một số điểm đến quan tâm hơn đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực bãi biển. Những năm gần đây, tại Cửa Lò, Sầm Sơn và một số vùng biển đã không còn các ki-ôt bán hàng ăn để giảm thải rác ra bờ biển. Việc tổ chức lễ hội du lịch cần mang tính bền vững, lâu dài, thay vì mải chạy theo số lượng.

Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng BTC lễ hội Vì hòa bình nhấn mạnh, tổ chức lễ hội cũng là một trong những nội dung để phát triển du lịch. Bên cạnh sản phẩm du lịch truyền thống, Quảng Trị phát triển các tua tuyến, sản phẩm mới để thu hút du khách quanh năm, không chỉ riêng mùa lễ hội.

Với tinh thần nối dài trải nghiệm cho du khách, Festival Huế 2024 theo định hướng 4 mùa tiếp tục khai thác các chuỗi lễ hội trải dài trong năm, từng bước xây dựng hệ thống chương trình lễ hội mới theo từng mùa. Festival Huế được kỳ vọng góp phần tạo động lực kích cầu du lịch, bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiệu ứng từ festival sẽ giúp Huế “lấy lại phong độ” đón khách du lịch tương tự thời điểm trước đại dịch.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist cho rằng, khi địa phương đã có điểm nhấn đặc sắc về tài nguyên du lịch, cần quan tâm hơn tới công tác xúc tiến, quảng bá.

Chuyên gia du lịch nhấn mạnh, việc tổ chức lễ hội cần được thực hiện song song với công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách và kiểm soát chặt chẽ vấn đề giá cả. Các điểm đến cần rõ ràng hơn trong việc niêm yết giá phòng lưu trú, món ăn tại nhà hàng. Việc này góp phần làm giảm tranh cãi giữa người sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ, mang đến hình ảnh du lịch chuyên nghiệp cho các địa phương.

MỚI - NÓNG