Lấy ý kiến về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 28/7, Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định 40/2018/NĐ-CP).
Lấy ý kiến về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp ảnh 1

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (phải) trình bày trong tọa đàm

Tại tọa đàm, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp... đã tập trung thảo luận nhiều quy định mới, nhằm góp ý hoàn thiện dự thảo đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và không cản trở hoạt động doannh nghiệp.

Hài hòa lợi ích các bên

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho hay, thực tiễn việc quản lý phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp trong những năm qua đã đạt được nhiều bước tiến trong việc tạo hành lang pháp lý, sàng lọc doanh nghiệp bất chính... Từ đó, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh để các doanh nghiệp chân chính đưa sản phẩm tới gần với người tiêu dùng Việt Nam hơn.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, các bộ, ngành, hiệp hội đã đồng hành cùng hoạt động kinh doanh đa cấp loại bỏ những doanh nghiệp bất chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh đa cấp của doanh nghiệp cũng thường xuyên được rà soát, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như thực tiễn pháp triển của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Điều này đảm bảo hài hòa lợi ích các bên như cơ quan quản lý nhà nước địa phương, doanh nghiệp, người tiêu dùng...

Hiện nay, chỉ có khoảng hơn 22 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp, doanh thu có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn đạt 16% trong giai đoạn 2015-2020, thuộc Top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới (năm 2019). Trong hai năm vừa qua, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vẫn đảm bảo tăng trưởng.

Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh đa cấp, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng tính toán cẩn trọng, tránh tạo ra rào cản không cần thiết và hạn chế tác động tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp chân chính.

Cùng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của Việt Nam hiện nay đã có những bước phát triển bền vững; trong đó, các vấn đề của 10 năm trở lại đây đã được giải quyết tương đối triệt để. Vì vậy, song song với việc tiếp tục thắt chặt quy định hiện tại, doanh nghiệp cũng rất đồng thuận và ủng hộ định hướng xây dựng quy định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP, mang lại môi trường phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho thấy, sau khi Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ra đời, mặc dù có những doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, nhưng số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận này vẫn nhiều hơn. Theo đó, những quy định chặt chẽ đối với việc gia nhập và phát triển trên thị trường kinh doanh đa cấp tại Việt Nam cũng tạo một sân chơi bình đẳng, minh bạch.

Liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP, ông Võ Đan Mạch, Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA) đánh giá cao Ban soạn thảo đã nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý, tham vấn ý kiến doanh nghiệp... đảm bảo tính khả thi khi ban hành và triển khai trong thực tiễn. Tuy nhiên, vấn đề quy định mới về bảo trợ quốc tế, yêu cầu hoa hồng cá nhân tối thiểu 20%... trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP vẫn còn một số bấp cập nên cần thận trọng hơn.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng cần điều chỉnh điều kiện mới áp dụng cho người đại diện tại địa phương; quy định về hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp; điều kiện vận hành hệ thống quản lý nhà phân phối và đề xuất áp dụng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp điện tử... để tạo những bước tiến thực sự cho hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Phát triển thị trường bền vững

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam góp ý, quy định không cho phép công nhận kết quả kinh doanh của mạng lưới tuyến dưới ở nước ngoài để tính thành tích và quyền lợi cho họ sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của nhà phân phối Việt Nam. Đồng thời, những người đang nỗ lực nâng cao trình độ, tiếp cận được những khách hàng nước ngoài không chỉ mang lại thu nhập cho họ mà còn có thể đóng thêm thuế thu nhập cho Việt Nam. Hơn thế nữa, quy định này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc cốt lõi của hoạt động bán hàng đa cấp đã được Nghị định 40/2018/NĐ-CP ghi nhận. Đó là, người bảo trợ được quyền được hưởng hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác phát sinh từ hoạt động của mình và hệ thống tuyến dưới.

Đối với vấn đề quan ngại về tình trạng cấu kết, tạo dựng khống mạng lưới nước ngoài nhằm nâng khống danh hiệu và hoa hồng của nhà phân phối tại Việt Nam, làm chiêu bài thu hút nhà phân phối mới, ông Nguyễn Phương Sơn cho rằng, có thể xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định doanh số từ hoạt động của tuyến dưới ở thị trường nước ngoài không vượt quá 50% doanh số yêu cầu để đạt được cấp bậc tương ứng tại Việt Nam. Ban soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP cũng có thể xem xét bổ sung quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về hoạt động bảo trợ quốc tế đối với cả doanh nghiệp và nhà phân phối.

MỚI - NÓNG