Lấy ý kiến nghỉ Tết Âm lịch: Tại sao phải tốn công?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm nào cũng vậy, vào khoảng tháng 8, 9 dương lịch; Bộ LĐ-TB&XH theo thẩm quyền lại xây dựng dự thảo và lấy ý kiến về lịch nghỉ Tết Âm lịch cũng như các ngày nghỉ trong năm tiếp theo, rồi gửi các Bộ, ngành góp ý. Điều này vô tình tạo ra những dư luận không cần thiết cho một việc đơn giản, trong khi rất nhiều doanh nghiệp rất cần linh hoạt để phù hợp với thực tiễn sản xuất phù hợp với thế giới.

Tốn công

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động (NLĐ) được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ, Tết. Trong đó, với Tết Âm lịch, NLĐ được nghỉ 5 ngày. Tuy nhiên, luật không quy định cụ thể bao nhiêu ngày của năm cũ, bao nhiêu ngày của năm mới. Thay vào đó, hằng năm, căn cứ điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch và nghỉ Quốc khánh 2/9. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết, NLĐ được nghỉ bù vào ngày làm việc kế tiếp.

Tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho hay, trên cơ sở đa số ý kiến đồng ý, bộ này đã cơ bản hoàn thành dự thảo trình Thủ tướng quyết định lịch nghỉ Tết Âm lịch năm 2023 là 7 ngày liên tục (phương án 1 của dự thảo lấy ý kiến). Với phương án nghỉ 7 ngày liên tục, ngày đầu đi làm xen giữa nghỉ Tết và nghỉ cuối tuần (vào Thứ 6), các đơn vị, doanh nghiệp có thể tự sắp xếp nghỉ và làm bù vào ngày khác, để kỳ nghỉ Tết kéo dài hơn. Còn lịch nghỉ Tết vẫn sẽ được thông báo chung, do Thủ tướng quyết định.

Căn cứ quy định trên, tới khoảng tháng 8, 9 hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH lại xây dựng phương án nghỉ lễ, Tết của năm tiếp theo và gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Với lịch nghỉ Tết năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng 2 phương án (nghỉ 7 hoặc 9 ngày) và lấy ý kiến 16 bộ, ngành, chờ góp ý để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Đặc biệt hơn, nếu Tết Âm lịch tới nghỉ 7 ngày, ngày đi làm đầu tiên của năm sẽ vào Thứ 6, sau đó NLĐ tiếp tục nghỉ cuối tuần. Nếu trước đây, có lẽ cơ quan có thẩm quyền đã đề xuất hoán đổi lịch, để NLĐ đi làm vào ngày khác để nghỉ Tết dài hơn (nghỉ 10 ngày), điều này chắc chắn lại tạo ra làn sóng phản đối, vì nước ta còn nghèo, chưa nên nghỉ nhiều.

Lấy ý kiến nghỉ Tết Âm lịch: Tại sao phải tốn công? ảnh 1

Khách đi máy bay gửi đào vào Nam mỗi dịp Tết Âm lịch (Ảnh minh họa: Phạm Thanh).

Bộ LĐTB&XH lấy ý kiến góp ý cho đề xuất số ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm nào cũng thu hút nhiều ý kiến khác nhau: Khi thì nghỉ quá ngắn, lúc lại nghỉ quá dài, hầu như chưa bao giờ dư luận hết sôi nổi bàn về số ngày nghỉ bao nhiêu cho hợp lý. Trước đây, từng có năm cơ quan chức năng thực hiện hoán đổi ngày đi làm để NLĐ được nghỉ nhiều hơn, dẫn tới có những ý kiến phản đối, vì cho rằng nghỉ quá dài trong khi nước ta còn nghèo là không hợp lý.

Từ đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng không còn đề xuất hoán đổi ngày đi làm và ngày nghỉ nào nữa. Cũng có năm các bộ, ngành, người dân bàn tán quá sôi nổi, nên không ít ý kiến đề xuất nên bỏ luôn Tết Nguyên đán cổ truyền, gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch, như cách làm của Nhật Bản. Lịch nghỉ Tết Âm lịch thu hút nhiều sự chú ý cũng không quá khó hiểu, khi đây là dịp nghỉ dài ngày nhất trong năm của NLĐ, gắn với truyền thống văn hoá, ý nghĩa sum họp gia đình, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp.

Nên quy định cứng để dừng tranh luận

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, rất nên quy định cứng số ngày nghỉ Tết Âm lịch là 5 ngày, trong đó có 2 ngày năm cũ và 3 ngày năm mới. Nếu ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần thì tất cả sẽ được nghỉ bù vào ngày đi làm tiếp theo. Cứ theo đó mà thực hiện, giống như đã quy định với dịp nghỉ Tết Dương lịch, Giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ dịp chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.

Với trường hợp đặc biệt, như Tết Âm lịch 2023 sắp tới, nếu có một ngày đi làm xen lẫn giữa dịp nghỉ Tết và ngày nghỉ hằng tuần thì mới phải đưa ra bàn thảo và trình Thủ tướng quyết. “Nếu quy định như trên, phải vài năm lại mới có một dịp nghỉ Tết dài ngày, hoặc phải thực hiện hoán đổi ngày làm việc và ngày nghỉ, còn đa số các năm cũng chỉ nghỉ khoảng 7 ngày (5 ngày nghỉ Tết chính thức và 2 ngày cuối tuần). Còn các đơn vị tuỳ tình hình thực tế có thể quy định khác theo thoả thuận với NLĐ, đảm bảo quyền lợi về trả lương nếu để lao động đi làm vào ngày nghỉ. Tránh việc năm nào cũng đưa ra bàn thảo một việc không quá cần thiết, làm phức tạp thêm vấn đề, tạo dư luận không đáng có, ảnh hưởng đến công việc của các bộ, ngành khác có liên quan”, ông Dương nói.

Còn với doanh nghiệp, theo ông Dương, việc sắp xếp nghỉ Tết cho NLĐ thường theo thực tế hoạt động của mình, thay vì lịch nghỉ chung, năm nào có đơn hàng tốt thì cho NLĐ nghỉ ít, và ngược lại. Thậm chí các doanh nghiệp phía Nam sử dụng nhiều NLĐ ngoại tỉnh còn có thể cho phép nghỉ Tết theo từng vùng: Với NLĐ quê ở miền Bắc, miền Trung được nghỉ tới hết rằm tháng Giêng. Còn những cơ quan nhà nước có hoạt động liên quan trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp như Thuế, Hải quan đã thực hiện phân công cán bộ xử lý công việc suốt kỳ nghỉ để phục vụ nhu cầu doanh nghiệp từ nhiều năm qua.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, luật hiện hành chỉ quy định nghỉ Tết Âm lịch 5 ngày, còn cụ thể sẽ do Thủ tướng ban hành theo thực tế từng năm. Do đó, năm nào tới nửa cuối năm, Bộ LĐ-TB&XH cũng xây dựng phương án nghỉ Tết Âm lịch gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định. Theo ông Quảng, trước đây khi bàn sửa Bộ Luật LĐ, cũng từng có ý kiến đề xuất quy định cứng, nhưng để linh động theo thực tế từng năm, luật được thông qua vẫn chỉ quy định khung chung. “Lịch nghỉ Tết Âm lịch do Thủ tướng ban hành cũng chỉ áp dụng với khối cơ quan nhà nước. Riêng khối doanh nghiệp được phép quy định riêng chỉ cần đảm bảo nghỉ Tết đủ 5 ngày, nếu trong 5 ngày đó NLĐ vẫn đi làm doanh nghiệp phải trả lương cao hơn. Sau này sửa Luật Lao động, nếu quy định cứng sẽ tốt hơn, để các tổ chức và NLĐ chủ động thực hiện, hằng năm chỉ cần Bộ LĐ-TB&XH ra văn bản thông báo để áp dụng”, ông Quảng nói.

MỚI - NÓNG