Nhiều bộ, ngành muốn nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày liên tục

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Góp ý cho phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đa số các bộ ngành chọn phương án nghỉ 7 ngày liên tục, riêng Bộ Tài chính chọn phương án nghỉ 9 ngày. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất phương án mới là nghỉ 8 ngày liên tục.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để lấy ý kiến các bộ ngành, gồm phương án nghỉ 7 ngày liên tục (từ 28 tháng Chạp tới hết mùng 5 tháng Giêng) và nghỉ 9 ngày liên tục (từ 30 tháng Chạp tới hết mùng 8 tháng Giêng). Bộ này nghiêng về chọn phương án nghỉ 7 ngày.

Góp ý cho các đề xuất trên, Bộ Tài chính chọn phương án nghỉ 9 ngày liên tục (phương án 2). Bộ này cho rằng, phương án này vừa đảm bảo đúng quy định, vừa hài hòa, phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi để công chức, viên chức chủ động có thêm thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình, đặc biệt với người đi làm xa.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không chọn 2 phương án của Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, mà đề xuất phương án mới là nghỉ Tết Nguyên đán 8 ngày với thời gian nghỉ từ ngày 19 – 26/1/2023 (tức từ 28 tháng Chạp tới hết mùng 5 tháng Giêng). Phương án này sẽ hoán đổi 1 ngày đi làm thành ngày nghỉ (ngày 19/1) và làm bù vào thứ 7 ngày 28/1/2023.

Trong khi đó, các bộ ngành còn lại, như bộ: Nội Vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… lại chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày liên tục (phương án 1 của Bộ LĐ-TB&XH đề xuất).

Nhiều bộ, ngành muốn nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày liên tục ảnh 1

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Trả lời Tiền Phong trước đó, một số chuyên gia lao động và doanh nghiệp cũng nghiêng về chọn nghỉ Tết dài ngày (nghỉ 9 ngày), vì với phương án nghỉ 7 ngày, ngày đi làm đầu tiên vào Thứ 6, sau đó lại nghỉ cuối tuần, nếu có đi làm cũng không mấy hiệu quả.

Về phía doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp dệt may dự báo nhiều khó khăn về đơn hàng vào cuối năm nay và đầu năm tới, điều này do các thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Mỹ đang đối mặt lạm phát lớn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Thực tế, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp phản ánh đã ít đơn hàng, người lao động chủ yếu làm giờ hành chính, rất ít tăng ca, làm thêm giờ. Do đó, cho nghỉ kéo dài vừa có thời gian cho người lao động nghỉ ngơi (đặc biệt với người ở xa), vừa giảm áp lực sắp xếp công việc cho công nhân của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp có nhiều đơn hàng, có thể linh động sắp xếp theo thoả thuận với người lao động.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trước khi báo cáo Thủ tướng quyết định.

Cụ thể, phương án 1 nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày liên tục, từ thứ Sáu ngày 20/1 tới hết thứ Năm ngày 26/1/2023 (tức từ 29 tháng Chạp tới hết mùng 5 tháng Giêng).

Phương án 2 nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày liên tục, từ thứ Bảy ngày 21/1 tới hết Chủ Nhật ngày 29/1 (tức từ 30 tháng Chạp tới hết mùng 8 tháng Giêng).

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chọn phương án 1, đảm bảo nghỉ không quá dài, hài hòa số ngày nghỉ trước và sau Tết.

Với khối doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị bố trí lịch nghỉ đảm bảo tổng số ngày nghỉ là 5 ngày (2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết, nếu vào ngày nghỉ hàng tuần được nghỉ bù ở ngày làm việc tiếp theo).

MỚI - NÓNG