Chuyên gia, doanh nghiệp chọn nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại diện doanh nghiệp, chuyên gia đều nghiêng về quan điểm nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nên kéo dài 9 ngày để có thời gian cho người lao động nghỉ ngơi. 

Sau khi Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 kéo dài 7 hoặc 9 ngày liên tục, đã có nhiều quan điểm khác nhau được đưa ra để góp ý. Dù lịch nghỉ Tết này chỉ áp dụng với khu vực nhà nước, nhưng là một phần căn cứ để doanh nghiệp áp dụng lịch nghỉ cho người lao động.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên cho rằng, cuối năm nay và đầu năm tới với doanh nghiệp may sẽ thiếu đơn hàng, ít việc do thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Mỹ đang giảm nhu cầu tiêu dùng vì lạm phát, nên doanh nghiệp may nghiêng về chọn phương án nghỉ Tết kéo dài 9 ngày. Tại thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may chỉ áp dụng tuần đi làm 5 ngày, chỉ làm giờ hành chính, cũng không có đơn hàng để tăng ca, làm thêm giờ.

Theo ông Dương, các nhà nhập khẩu cũng biết tâm lý nghỉ Tết Nguyên đán của người Á Đông, nên nếu có đơn hàng đều yêu cầu giao trước Tết. Vì vậy, cơ bản những ngày đầu năm mới chưa nhiều việc. Các doanh nghiệp miền Nam sử dụng nhiều lao động khu vực miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long cũng thường cho người lao động nghỉ dài ngày, sau mùng 10 hoặc 15 mới đi làm lại.

Về lo ngại nghỉ Tết quá dài ảnh hưởng tới giải quyết công việc, ông Dương cho rằng, hiện các cơ quan phụ trách lĩnh vực quan trọng như Hải quan đều có người làm trực xuyên Tết. Nếu doanh nghiệp có đơn hàng cần xuất sớm vẫn có thể giải quyết thủ tục ngay trong Tết.

Chuyên gia, doanh nghiệp chọn nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày ảnh 1

Phương án nghỉ Tết 9 ngày liên tục nhận được không ít ý kiến ủng hộ, đặc biệt khi đơn hàng sụt giảm vì lạm phát tại các nước xuất khẩu chính của Việt Nam.

Ông Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, đồng thuận phương án Tết tới nghỉ 9 ngày liên tục. Có một số dịp Tết nghỉ quá ngắn, người lao động làm ở khu vực phía Nam có xu hướng nghỉ kết hợp xin nghỉ phép kết hợp để kéo dài dịp nghỉ Tết. Thậm chí, có nhiều trường hợp nghỉ ngắn ngày, người lao động còn nghỉ việc luôn, dẫn tới thiếu người lao động làm việc sau Tết.

Theo ông Huân, doanh nghiệp luôn có xu hướng chọn nghỉ Tết ít ngày, nhưng thực tế đòi hỏi của người lao động nên cũng phải linh hoạt lịch nghỉ cho phù hợp. Chưa kể, nếu năm nay nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày, ngày đầu đi làm sẽ vào thứ Sáu, sau đó lại nghỉ cuối tuần thêm 2 ngày, có thể nhiều đơn vị sẽ cho người lao động nghỉ luôn ngày này (tức nghỉ Tết kéo dài 10 ngày). Vì với một ngày đi làm như vậy, hiệu quả công việc sẽ không cao, thậm chí chỉ hình thức.

“Với cơ quan nhà nước, cần phân tích kỹ các phương án để so sánh, đánh giá mới đưa ra lựa chọn, dù sao Tết cũng là dịp nghỉ truyền thống của dân tộc. Thậm chí với nhiều nước, nhiều đơn vị, thấy lịch đi làm chỉ 1-2 ngày lại nghỉ, họ sẵn sàng yêu cầu người lao động nghỉ phép, vì có đi làm cũng không hiệu quả. Trường hợp nghỉ dài, các cơ quan nhà nước có thể bố trí nhận sự trực để giải quyết công việc cấp bách”, ông Huân nói.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trước khi báo cáo Thủ tướng quyết định.

Cụ thể, phương án 1 nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày liên tục, từ Thứ 6 ngày 20/1 tới hết Thứ 5 ngày 26/1/2023 (tức từ 29 tháng Chạp tới hết mùng 5 tháng Giêng).

Phương án 2 nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày liên tục, từ Thứ 7 ngày 21/1 tới hết Chủ Nhật ngày 29/1 (tức từ 30 tháng Chạp tới hết mùng 8 tháng Giêng).

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chọn phương án 1, đảm bảo nghỉ không quá dài, hài hòa số ngày nghỉ trước và sau Tết.

Lịch nghỉ trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, tổ chức chính trị - xã hội.

Với khối doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị bố trí lịch nghỉ đảm bảo tổng số ngày nghỉ là 5 ngày.

MỚI - NÓNG