Lấy ý kiến Hà Nội, TPHCM về đường sắt tốc độ cao đi vào nội đô

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP.Hà Nội và TPHCM cho ý kiến thống nhất về phương án hướng tuyến, các nhà ga, quy mô sử dụng đất của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua địa bàn. Ý kiến của địa phương là cơ sở để Bộ giao thông vận tải hoàn thiện đề án xây dựng tuyến đường sắt này báo cáo Chính phủ tháng 9, để trình Bộ Chính trị trong tháng 11 năm nay.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị UBND TP.Hà Nội, UBND TPHCM có văn bản thống nhất về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua địa bàn đại phương.

Bộ GTVT cho biết, đang rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự kiến trình Thủ tướng vào tháng 9 tới; trình Bộ Chính trị trong tháng 11; mục tiêu phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025.

Lấy ý kiến Hà Nội, TPHCM về đường sắt tốc độ cao đi vào nội đô ảnh 1

Bộ GTVT chờ Hà Nội và TPHCM có ý kiến thống nhất bằng văn bản về hướng tuyến, quy hoạch ga, đề pô tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này.

Với Hà Nội, dự kiến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ bắt đầu từ tổ hợp ga Ngọc Hồi đi về phía Nam, phương án về hướng tuyến, quy mô, vị trí nhà ga, đề pô đã được UBND TP.Hà Nội đồng ý năm 2018. Sau đó, năm 2022, Hà Nội tiếp tục bảo lưu ý kiến như trước đây.

Ngày 21/7, Bộ GTVT đã họp với 20 tỉnh/thành phố dự kiến đường sắt tốc độ cao đi qua để rà soát, thống nhất phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng. Tại cuộc họp này, Hà Nội đã cơ bản thống nhất tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ bắt đầu tư tổ hợp ga Ngọc Hồi (Thanh Trì) đi về phía Nam (như ý kiến năm 2018); mở rộng ga này để thêm mục đích phục vụ hàng hóa, đề pô (thay cho ga Thường Tín).

Về hướng tuyến, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, vượt đường vành đai và tuyến đường sắt vành đai phía Tây, qua địa phận các huyện Thường Tín, Phú Xuyên về phía Tây tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Sau khi vượt qua tuyến nối cao tốc Tây Bắc với Quốc lộ 5B, đường sắt cao tốc rẽ trái vượt đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đi về phía Đông, cùng hành lang tuyến đường bộ cao tốc đi Hà Nam.

Với TPHCM, năm 2018, địa phương cũng có văn bản đồng ý về hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng đường sắt tốc độ cao qua địa bàn. Tại cuộc họp mới đây giữa Bộ GTVT và các địa phương, TPHCM cũng thống nhất phương phán như trước đây.

Tuyến đường sắt tương lai sẽ đi song song phía Nam đường cao tốc Dầu Giây – TPHCM; tuyến vượt Vành đai 3 - đường Nguyễn Duy Trinh – qua Vành Đai 2 - đường Đỗ Xuân Hợp - nút giao An Phú về ga Thủ Thiêm (quận 2). Đây là ga cuối của tuyến đường sắt tương lai. Khu đề pô được đặt tại Long Trường (quận 9, TPHCM).

Mới đây, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề xuất lập Tổ công tác xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, do một Phó Thủ tướng đứng đầu.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.