Lý do đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam xuất phát từ ga Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Nếu chuyển điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là ga Hà Nội thay vì ga Ngọc Hồi như quy hoạch trước đây thì sẽ tiện lợi hơn cho hành khách nhưng nguy cơ xung đột giao thông, đội vốn sẽ tăng lên.

Liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) vừa có báo cáo đầu kỳ về quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội. Theo đó, đơn vị tư vấn đã đề xuất điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là ga Hà Nội thay vì ga Ngọc Hồi như trước đây.

Theo lý giải của các đơn vị tư vấn, quy hoạch mạng lưới bố trí ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ngọc Hồi cách xa trung tâm TP Hà Nội khoảng 10km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, đặc biệt là các khu vực phía bắc sông Hồng.

Lý do đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam xuất phát từ ga Hà Nội ảnh 1
Đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam có điểm đầu từ ga Hà Nội. Ảnh minh hoạ

Mặt khác, loại hình đường sắt tốc độ cao sử dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột với các loại hình giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không gặp phải các tồn tại, bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay. Vì thế, nên kết nối đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội.

Kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao tại một số quốc gia cho thấy hầu hết tiếp cận vào sâu trong đô thị. Do đó đơn vị tư vấn kiến nghị giữ hành lang đường sắt Ngọc Hồi - ga Hà Nội để nghiên cứu khai thác tàu khách tốc độ cao.

Do đó, đơn vị tư vấn đề xuất ga Hà Nội là ga có chức năng phục vụ hành khách đường sắt đô thị kết hợp với hành khách đường sắt tốc độ cao.

Ga Ngọc Hồi vẫn được quy hoạch là đầu mối, nơi tập kết tàu, bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật cho tàu tốc độ cao.

Ngay lập tức, đề xuất nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ các chuyên gia. Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc chuyển ga điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao từ ga Ngọc Hồi về ga Hà Nội sẽ tối ưu hơn.

Cụ thể, vẫn giữ nguyên ga Hà Nội là ga trung tâm của Thủ đô và ga đó cũng là ga đầu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam.

"Việc chuyển ga này sang ga khác là rất tốn kém. Nếu vẫn giữ ga Hà Nội mà chuyển điểm đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam bằng ga Ngọc Hồi thì ga này phải xây dựng hàng chục nghìn tỷ đồng.

Vì thế, nếu quy hoạch vẫn lấy ga Hà Nội làm ga chính, là điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam thì sẽ giảm chi phí. Từ đó, chúng ta chỉ tập trung quy hoạch khu vực ga Hà Nội, sẽ hợp lý hơn", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nói.

Theo Tiến sĩ Phan Lê Bình, trước khi có những tính toán cụ thể, kỹ lưỡng về phương án kỹ thuật và tài chính, không thể dễ dàng nói đến việc ủng hộ đặt ga đường sắt cao tốc tại ga Hà Nội hiện nay.

Có thể khi đường sắt tốc độ cao vào được nội đô thành phố sẽ mang lại nhiều tiện lợi cho hành khách, như tại Nhật Bản, một số nhà ga đường sắt tốc độ cao đặt được ở trung tâm thành phố nhưng cũng có một số ga do điều kiện mặt bằng hạn chế họ buộc phải đẩy ra vùng ven.

Hành khách xuống những ga ven đô đó sẽ phải trung chuyển qua các tuyến đường sắt đô thị khác để vào trung tâm.

“Bên cạnh sự tiện lợi cho hành khách khi đặt ra đầu tiên ở nội đô thì cũng cần tính đến việc mặt bằng có đáp ứng hay không? Nếu không có đủ mặt bằng thì phải làm ngầm, làm nổi lên cao. Nếu áp dụng những phương pháp kỹ thuật này thì chi phí dự án sẽ bị đội lên rất nhiều”, Tiến sĩ Phan Lê Bình nói.

Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt cho rằng, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 đã được nghiên cứu kỹ, Thủ tướng cũng đã kết luận điểm đầu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam đặt ở ga Ngọc Hồi.

Chuyên gia này cho biết, TP Hà Nội cũng đã có quy hoạch dự kiến đưa huyện Thanh Trì (nơi có ga Ngọc Hồi) lên quận trong tương lai. Hơn thế nữa, về hạ tầng cơ quan quản lý cũng đang muốn dời ga Hà Nội về ga Ngọc Hồi.

Với đề xuất đặt điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam ở ga Hà Nội, chuyên gia này cho rằng, cần phải nghiên cứu thêm. Vì với việc đưa tuyến đường sắt tốc độ cao vào sâu nội đô, câu chuyện giải quyết bài toán giao thông sẽ rất phức tạp.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545 km, đường sắt đôi khổ 1.435 mm. Ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị. Ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt đô thị, phục vụ tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên.


Link gốc: https://vietnamnet.vn/ly-do-de-xuat-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-xuat-phat-tu-ga-ha-noi-2170230.html?

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lựcẢnh: PV
Học sinh bối rối chọn ngành nghề
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.