Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến:

Lấy phiếu nên công khai ý kiến đại biểu

Đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. ảNH: hỒNG vĨNH
Đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. ảNH: hỒNG vĨNH
TP - Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Vừa qua lấy phiếu ai cũng đạt vì hệ số an toàn quá cao. Nếu xuất phát từ việc “bảo vệ cán bộ” tôi cho như thế là được, nhưng để đánh giá cán bộ thực chất thì không nên”.

Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến nói: Nên lấy hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Có người nói hai mức thì trùng với bỏ phiếu, vậy có thể để hai mức “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Đạt tín nhiệm là an toàn, anh được tiếp tục làm việc, còn tín nhiệm thấp thì phải chuyển sang bỏ phiếu. Nếu làm không tốt, chỉ đạo có vấn đề thì tín nhiệm sẽ thấp, trên 50% số phiếu thấp thì có thể xem xét bỏ phiếu tại kỳ họp để cho anh thôi.

Phải đánh giá đúng tín nhiệm

Thưa ông, Nghị quyết 35 ra đời khi chúng ta đang sửa đổi Hiến pháp 1992. Hiến pháp sửa đổi quy định về lấy phiếu tín nhiệm như thế nào?

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi (đang thảo luận), đặc biệt là Hiến pháp mới chỉ quy định bỏ phiếu tín nhiệm chứ không nói lấy phiếu tín nhiệm (hai cái hậu quả rất khác nhau). Tôi cũng băn khoăn, chúng ta đề ra việc lấy phiếu để làm gì khi Hiến pháp không quy định. 

Có ý kiến cho rằng, nên thực hiện theo đúng Hiến pháp, không nên đẻ thêm việc, mất thời gian, tốn kém mà không cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta đã có Nghị quyết 35, lần này sửa đổi để làm tốt hơn. Mục đích lấy phiếu là thăm dò mức độ tín nhiệm, nếu tín nhiệm thấp thì mới chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm. Bỏ phiếu mà anh không vượt qua thì phải nghỉ, không để anh làm nữa.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vừa qua được cử tri đánh giá tốt, nhưng cách làm của chúng ta không giống các nước, thưa ông?

Lấy phiếu nên công khai ý kiến đại biểu ảnh 1 ĐB Lê Như Tiến

“Ban soạn thảo có thể căn cứ vào dư luận, lấy phiếu thăm dò ý kiến đại biểu để tiếp thu, chỉnh sửa nghị quyết. Khi biểu quyết, nên đưa ra các phương án về mức tín nhiệm, đối tượng, thời gian, hậu quả lấy phiếu để đại biểu lựa chọn. Nếu làm như vậy, Quốc hội sẽ có một nghị quyết hoàn thiện hơn”.            

ĐB Lê Như Tiến

Quốc hội lấy phiếu chỉ để thăm dò mức độ tín nhiệm thôi. Tôi đã nghiên cứu, các nước không lấy phiếu mà thăm dò qua dư luận, cử tri, nơi công tác... Khi cần thiết họ mới bỏ phiếu, nhưng không bỏ đại trà. Vị nào có vấn đề sẽ đưa ra điều trần, và bỏ phiếu tín nhiệm luôn. Điều trần xong mà thấy không có tín nhiệm nữa, vị đó sẽ từ chức. Mình cũng nên mở theo hướng ấy, chứ lấy đại trà các cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp sẽ rối. 

Chỉ nên lấy tín nhiệm cơ quan hành pháp – vì đó là cơ quan chấp hành của Quốc hội, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, trách nhiệm người đứng đầu rất rõ. Đại biểu cơ quan dân cử hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, không ai đi lấy phiếu tập thể. Ví dụ Chủ tịch Quốc hội không quyết định được nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà phải là tập thể Ủy ban này quyết định.

Về việc sửa đổi Nghị quyết 35, đại biểu cho rằng cái cần sửa, dân chê thì mình không sửa, thưa ông?

Sửa để ba năm lấy một lần, thực chất là cả nhiệm kỳ chỉ một lần thì ít quá. Bầu sau ba năm mới đánh giá anh là quá lâu. Tôi cho là, nên lấy hai lần/ nhiệm kỳ vào năm thứ hai và thứ tư. Năm thứ hai có thể đánh giá anh làm việc thế nào rồi, năm thứ tư đánh giá để xem có nên giới thiệu anh tái  cử nữa hay không. Về đối tượng, nếu dàn đều ra lấy như hiện nay dễ hòa cả làng. 

Không nên xóa nhòa ranh giới giữa hành pháp, lập pháp để đánh giá. Cử tri, dư luận cũng không mong muốn năm nào cũng lấy phiếu rồi ai cũng qua cả. Chắc chúng ta không hồ hởi với kết quả lấy phiếu như thế, vì không răn đe được ai, đánh giá cán bộ cũng không đạt.

Công khai ý kiến đại biểu

Có ý kiến cho rằng, người dân vẫn chưa giám sát được đại biểu do mình bầu ra. Theo ông, có nên công khai danh tính đại biểu -người thay mình bỏ phiếu tín nhiệm, để nhân dân giám sát được đại biểu, như các nước?

Một số nước người ta để hai cửa: bên phải và bên trái, ai đồng ý ra một cửa, ai không đồng ý thì ra cửa còn lại. Họ công khai ý kiến, khi hỏi họ nói tôi không đồng ý, không biểu quyết vì lý do thế này, thế kia rất rõ. Nhưng Quốc hội của ta vẫn làm theo kiểu này thì không kiểm soát được ai tán thành, ai không. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu vẫn là định lượng qua số % đại biểu biểu quyết. Chỉ có điều chúng ta không công khai ý kiến của từng đại biểu đó thôi. Nhưng bỏ phiếu thì  dân phải biết là anh bỏ cho ai, tín nhiệm ai chứ.

Quốc hội lấy phiếu để giám sát cơ quan hành pháp, vậy người dân giám sát đại biểu bằng cách nào?

Câu hỏi này đúng là cũng còn nhiều vấn đề đặt ra và chúng ta còn bỏ ngỏ. Nhưng công khai ý kiến của anh chỉ là một kênh thôi, cử tri cũng còn những kênh khác để giám sát đại biểu. Nhưng tôi cho là nên minh bạch chuyện này. Quyết định của đại biểu cũng nên để dân biết, để dân giám sát chính đại biểu do mình bầu ra. Dân phải biết anh đồng ý hay không đồng ý vấn đề đó, anh xuất phát từ lợi ích của ai, có vì lợi ích của đất nước, của dân hay không.

Trở lại vấn đề sửa nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, theo ông Quốc hội có nên đưa ra các phương án khác nhau để đại biểu lựa chọn?

Trước hết, Quốc hội nên lấy phiếu thăm dò đại biểu, nên lấy từng nội dung cụ thể. Còn khi biểu quyết, nên đưa ra từng phương án như chúng ta đã làm với dự án Luật Thủ đô, dự án Đường sắt cao tốc, để đảm bảo tính dân chủ, chặt chẽ hơn. Tương tự, sau này Quốc hội quyết định nhân sự cũng nên có số dư để đại biểu lựa chọn.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG