Lấy phiếu tín nhiệm: Nên để 2 mức

ĐB Trần Du Lịch
ĐB Trần Du Lịch
TP - Thảo luận về nội dung sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) đề nghị chỉ nên để hai mức tín nhiệm thay cho ba mức. Nếu cứ để ba mức như hiện nay cử tri hỏi không biết giải thích ra sao.

Phải thực chất hơn

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, lấy 3 mức đánh giá tín nhiệm gồm: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp là chưa hợp lý. “Tín nhiệm cao hay thấp thể hiện ở số phiếu, đừng cố gò từ ngữ. Cao là nhiều phiếu, thấp là ít phiếu. Đề nghị để 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm”, ông Khanh nói.

Đồng tình ý kiến trên, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, về lâu dài chúng ta phải tiến tới cách làm thực chất hơn, tức là bỏ phiếu bất tín nhiệm, như nhiều nước đang làm. Tất nhiên, khi đó quy trình thực hiện phải khác.

Bên cạnh đó, để công tác đánh giá cán bộ được chính xác, bà Nga cho rằng nên có quy định, hằng năm, các chức danh được QH bầu và phê chuẩn phải có báo cáo công tác cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ của mình trước QH.

“Đánh giá về phẩm chất đạo đức thì dễ, nhưng đánh giá tiêu chí “hoàn thành nhiệm vụ” của họ là rất khó, vì các báo cáo công tác đều chỉ là tự báo cáo, không có cấp nào xác nhận. Liệu có thể tin rằng tất cả các thông tin bất lợi cho cá nhân đều được cung cấp đầy đủ cho đại biểu QH trong báo cáo đó để có căn cứ đánh giá hay không”, bà Nga nói.

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) nhấn mạnh: đã có nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên có 2 mức tín nhiệm, nhưng vấn đề này không được tiếp thu. “Chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm ở 2 mức để cho rõ là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Khi có kết quả thì có thể quy định các mức tín nhiệm cao (chẳng hạn đạt từ 80% phiếu tín nhiệm trở lên) và tín nhiệm thấp”, bà Dung góp ý.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng thống nhất đề nghị chỉ giữ 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm. “Tôi chưa thấy một phiếu tín nhiệm nào mà có 3 mức cả, tôi cố nhớ lại nhưng không tìm ra.

Lấy phiếu tín nhiệm: Nên để 2 mức ảnh 1

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ví dụ TPHCM muốn bổ nhiệm một cán bộ nào đó thì phải lấy phiếu tín nhiệm, chỉ có 2 mức đồng ý hay không đồng ý. Đồng ý cao thì là tín nhiệm cao, đạt tiêu chuẩn để bổ nhiệm. Vấn đề rất đơn giản và dễ hiểu, tại sao chúng ta không làm được”, bà Tâm thẳng thắn.

 

“Có cử tri hỏi làm thế nào bà bỏ phiếu được khi đưa ra 3 mức tín nhiệm như vậy? Tôi không giải thích được. Cách giải thích của Ủy ban Thường vụ QH cũng chưa thuyết phục. Cần giải thích một cách khách quan, khoa học và logic hơn”, bà Tâm nói tiếp.

Không chịu từ chức thì sao?


ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cho biết, nhiều đại biểu không đủ thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm, tổ chức Đảng đánh giá như thế nào về họ.

“Thông tin qua bản tự báo cáo của họ là chưa đầy đủ, đồng thời mỗi người báo cáo một kiểu, chưa có tiêu chí cụ thể. Do vậy, cần quy định về chế độ báo cáo để các đại biểu đánh giá, thông tin phải đầy đủ hơn”, ông Mạnh góp ý.

ĐB Lê Thanh Vân (Hải Dương) cho rằng, một số chức danh tới đây có tuyên thệ nhậm chức thì chúng ta căn cứ vào bài tuyên thệ để đánh giá. Một số chức danh không tuyên thệ thì phải gửi cho các đại biểu QH dự kiến chương trình hành động cả khóa. Khi lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu QH sẽ lấy đó làm căn cứ để bỏ phiếu.

Một vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm là quy định xin từ chức nếu tín nhiệm thấp. “Với người tín nhiệm thấp, họ không muốn từ bỏ hoặc tự giác bỏ quyền lực thì sao.

Thực tế, trong thời gian qua, có bộ trưởng được dư luận thăm dò ý kiến, họ đã trả lời thẳng là tôi chưa có ý định từ chức, dù họ có mức tín nhiệm thấp”, ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) băn khoăn.

Lấy ví dụ ở Hàn Quốc, Thủ tướng từ chức vì tàu chìm, họ coi đó là trách nhiệm, dân bầu ra nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì từ chức, nhưng ông Rinh cho rằng, ở Việt Nam, cơ chế trách nhiệm không rõ.

ĐB Võ Thị Dung cũng cho rằng, quy định về từ chức khi có nhiều phiếu tín nhiệm thấp chưa rõ. Do vậy nên có quy định riêng với quy trình cụ thể hơn. ĐB Đinh Thị Bạch Mai (TPHCM) đồng tình và cho rằng, cần quy định rõ quy trình, thủ tục, người xin từ chức thì gửi đơn ở đâu, lúc nào.

Cho rằng nếu chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ là quá ít, hạn chế tính “cảnh tỉnh, răn đe” của việc lấy phiếu, ĐB Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của QH cho biết, lấy phiếu tín nhiệm xong thì cũng đã sắp hết nhiệm kỳ, có cán bộ cũng vừa tới tuổi hưu, liệu họ có cần phải cố gắng nữa không?

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm mục đích là để các chức danh nhìn nhận lại bản thân, công việc của mình để làm tốt hơn. Nếu năm nào cũng lấy thì thời gian quá ngắn, tạo sức ép không tích cực đối với cán bộ.

“Những người dám nghĩ, dám làm cũng có thể chùn lại vì cho rằng kết quả tín nhiệm có tác động đến vị trí của mình. Bởi việc dám nghĩ, dám làm không phải lúc nào cũng có tác động ngay”, ông Minh nói.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cho biết, ý kiến các đoàn về 2 mức và 3 mức tín nhiệm, bao nhiêu đoàn đồng ý 2, bao nhiêu đồng ý giữ 3 mức. “Trước kỳ họp các đoàn ĐBQH đều họp về vấn đề này. Sửa thế này thì trả lời cử tri thế nào, sửa thế thì “tốt hơn” ở chỗ nào?”, ông Lịch nói.

Lấy phiếu tín nhiệm một lần trong 5 năm

Sáng 6/6, Quốc hội nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.

Theo Tờ trình, việc lấy phiếu tín nhiệm thay vì hằng năm tại nghị quyết 35 sẽ được sửa chỉ còn một lần trong cả nhiệm kỳ và sẽ tổ chức lấy vào năm thứ ba của nhiệm kỳ. Tại Tờ trình, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết, nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, quy trình, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị của nước ta.

Hồng Phúc


MỚI - NÓNG