Đằng sau những vụ việc đó là gì? Hậu quả của nó là gì? Cán bộ hư hỏng, vi phạm pháp luật, không thể giao trọng trách thì lại được giao trọng trách. Vậy có vấn đề tiền nong, vật chất không?
Về phía cơ quan Đảng, chỉ có thể kỷ luật cán bộ với hình thức cao nhất là khai trừ Đảng. Vì thế, sau khi có kết luận cần phải tiếp tục làm rõ vụ việc trên. Chúng ta không thể không đi tới cùng một sự việc rất nghiêm trọng, lớn hơn nữa là những vấn đề về tài chính, vật chất có liên quan đến tham nhũng, kiểm soát quyền lực. Các cơ quan Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan khác phải xem xét, kết luận cho rõ, bởi đây là vấn đề bức xúc của nhân dân. Nhân dân rất quan tâm xem thái độ xử lý của Đảng ta, Nhà nước ta có đi tới cùng không hay chỉ nửa vời thôi, điều đó là rất quan trọng.
Vụ việc trên cũng chứng minh một điều là không để “hạ cánh an toàn” như bấy lâu nay vẫn nói. Nếu thực sự có những vấn đề liên quan, gây hậu quả thì phải xử lý. Khi đương chức cứ làm ào ào, dựa vào quyền lực để làm tới số, không ai kiểm soát rồi về hưu thoải mái thì đâu có được. Nhân dân không đồng tình, không hài lòng. Những người về hưu mà còn trách nhiệm thời đương chức thì phải xem xét, xử lý một cách thỏa đáng mới công bằng. Với người đương chức có liên quan, phải xem xét theo đúng pháp luật, đúng nguyên tắc điều lệ Đảng, góp phần xây dựng xã hội ổn định hơn.
Đối với lãnh đạo Bộ Công Thương, việc xem lại việc của người tiền nhiệm không đơn giản, bởi ở Việt Nam ta tình nghĩa cao lắm. Tuy nhiên, dù có tình nghĩa thì nguyên tắc của Đảng, pháp luật vẫn phải là yếu tố hàng đầu, cần phải tôn trọng và thực hiện. Vụ việc trên cũng là bài học chung cho thể chế chính trị. Nhân dân rất phân tâm về tình trạng hư hỏng của cán bộ, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, lợi dụng quyền lực mà không có kiểm tra. Đây chính là cơ hội để lấy lại niềm tin với nhân dân.