Lập lại trật tự xây dựng: Làm đâu, “đụng” đó!

Nhà của ông Bùi Mạnh Hải bắt đầu bị tháo dỡ.
Nhà của ông Bùi Mạnh Hải bắt đầu bị tháo dỡ.
TP - Sau rất nhiều năm phổ biến thực trạng cứ xây dựng trái phép, chấp nhận nộp phạt rồi trước sau gì cũng được hợp thức hóa, gần đây khi chính quyền quyết tâm cưỡng chế tháo dỡ các công trình phạm quy, lập tức đơn thư kiện cáo vô cùng phức tạp. Chuyện xảy ra ở Buôn Ma Thuột cho thấy với “cuộc chiến” này, bên nào cũng “trầy vi tróc vảy”!

Cưỡng chế làm mất tiền tỷ, vàng!?

Đã nửa năm kể từ ngày căn nhà bạc tỷ xây trên đất nông nghiệp ở phường Tân Lập (TP Buôn Ma Thuột) bị cưỡng chế tháo dỡ, gia đình ông Bùi Mạnh Hải vẫn tiếp tục kêu cứu.

Ông Bùi Mạnh Hùng và bà Khổng Thị Kim Liên - Bố mẹ của ông Hải đều là cán bộ “cỡ lớn”, nhà ở Hà Nội, vừa về hưu liền vào Đắk Lắk lập 2 dự án trồng cao su, khoanh nuôi bảo vệ rừng tổng diện tích gần một nghìn hécta. Để quản lý dự án, ông bà mua 500m2 đất trống ở đường Hùng Vương phường Tân Lập. “Bìa đỏ” cấp tháng 7/2015 cho thửa đất này ghi mục đích sử dụng “Trồng cây lâu năm”, 2 người đồng sở hữu là Bùi Mạnh Hải-Đỗ Văn Hạnh.

Cuối năm 2015, gia đình ông Hải mua lại 1 căn nhà sàn gỗ chuyển về dựng trên lô đất này, xây tường cao bao quanh. Cán bộ phường và thành phố đã nhiều lần tới yêu cầu dừng xây trên đất nông nghiệp, lập biên bản vi phạm hành chính. Ông Hải cũng đã 1 lần nộp phạt 6.250.000đ, rồi lại... xây tiếp. Từ xuân sang hè năm 2016, một số báo đài phản ánh tình trạng “Loạn xây dựng không phép” ở TP Buôn Ma Thuột, đã đưa hình ảnh về cơ ngơi bề thế đang xây của gia đình ông Hải như một điển hình.

Sau nhiều lần thông báo đình chỉ xây dựng không hiệu quả, sáng ngày 16/8/2016 UBND phường Tân Lập và cơ quan chức năng TP Buôn Ma Thuột tổ chức lực lượng cùng xe xúc, xe cẩu tới triển khai việc cưỡng chế, phá dỡ tường rào và căn nhà của ông Hải. Còn 2 công trình liền kề, là dãy phòng trọ của bà Hà Thị Tú và gara để 2 xe tải của ông Trương Văn Việt, thì do chủ nhà tự giác tháo dỡ. 

Hồ sơ khiếu nại, kêu cứu, tố cáo của gia đình ông Bùi Mạnh Hải được gửi đến rất nhiều nơi. Văn phòng Luật sư Vũ Đức (Đoàn LS Hà Nội) gửi Chủ tịch UBND tỉnh, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk văn bản dài gần 7 trang, cho rằng trong việc xử phạt hành chính và cưỡng chế tháo dỡ ngôi nhà trên đất của 2 ông Hải-Hạnh, cán bộ chính quyền đã có nhiều sai phạm, gây thiệt hại khó khắc phục hậu quả.

Theo Đơn tố cáo do gia đình ông Bùi Mạnh Hải gửi đến báo Tiền Phong, thì giá trị tài sản mà gia đình ông đã bị thiệt hại, mất mát trong cuộc cưỡng chế tháo dỡ gồm: Ngôi nhà đang làm đã chi 1,2 tỷ đồng; Tiền, vàng, đồ trang sức giá trị hơn 1 tỷ đồng; 1 chùm sung hóa thạch khoảng 300 triệu đồng; Các vật dụng khác trị giá nhiều trăm triệu đồng và 1 quyển hóa đơn GTGT đang ghi chép.

Gian nan cuộc chiến lập lại trật tự xây dựng

Ngày 28/2/2017, tại dãy nhà đã bị tháo dỡ, ông Bùi Mạnh Hùng kể sáng hôm đó, vì xin lãnh đạo phường hoãn cưỡng chế không được, ông nổi nóng ra đón taxi đi thẳng xuống huyện Ea H’leo, nên không nhớ đem theo tiền, vàng (?!)

Ông cũng bất bình hỏi vì sao nhiều nhà khác cũng xây trái phép trên khu đất dự án này vẫn còn nguyên? Trong đó riêng hộ ông Y Đinh Niê Brit, người đã cắt vườn bán hàng chục lô đất tại đây còn cả dãy nhà trọ xây dở và căn nhà lầu. 

Vợ chồng ông Trương Văn Việt nhờ báo Tiền Phong chuyển lời xin chính quyền cho dựng tạm lại gara để xe tải trên 500m2 đất đã lỡ mua từ ông Y Đinh Niê Brit với giá 2 tỷ đồng, mong khi nào chính quyền triển khai dự án thì ưu tiên cho những hộ bị tháo dỡ công trình này được tái định cư.

Làm việc với đại diện báo Tiền Phong, ông Vũ Văn Hưng - Phó chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, ông Phan Thanh Dũng- Phó trưởng phòng Quản lý Đô thị và ông Nguyễn Minh Đức- Chủ tịch UBND phường Tân Lập đã cung cấp nhiều văn bản, hồ sơ có sẵn, vì các ông đã nhiều lần phải giải trình với nhà chức trách các cấp, kể cả Công an, Kiểm sát, về vụ cưỡng chế dỡ nhà ông Bùi Mạnh Hải. 

Nhiều biên bản cho thấy quá trình dẫn tới vụ cưỡng chế “cực chẳng đã”, là cả chuỗi dài kiên nhẫn thuyết phục và đối thoại không xong. Bản thống kê tài sản của ông Hải lập tại hiện trường không có tiền vàng, trong đó bà Kim Liên đã ký nhận lại một số món, nhiều món khác UBND phường đã 2 lần gửi thông báo nhưng ông Hải chưa đến nhận.

Các công trình xây không phép của ông Y Đinh Niê Brit chưa bị cưỡng chế, là vì ông Y Đinh mới qua đời vì bệnh ung thư. Việc tháo dỡ sẽ tiếp tục trước khi dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư, kèm quy hoạch chi tiết đã được duyệt từ năm 2013 trên diện tích 6,55ha tại khu vực đường Hùng Vương này triển khai, khi bố trí được nguồn vốn, dự kiến cuối năm nay. UBND thành phố hứa tiếp thu nguyện vọng của các hộ vừa phải tháo dỡ nhà mà báo Tiền Phong chuyển lời, để xem xét hỗ trợ tái định cư cho họ.

Buộc phải từ chối rất nhiều cuộc điện thoại can thiệp từ các “VIP”, chấp nhận bị kiện, chịu trận các cuộc than khóc kêu gào, thậm chí bị chửi bới xúc phạm vì “đụng độ” trực diện với lợi ích, tài sản của hàng trăm tổ chức, cá nhân, quá trình lập lại trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đầy sóng gió. 

Năm 2016, ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP đã phải kỷ luật 2 cán bộ theo dõi mảng Xây dựng và Địa chính của phường Tân Lập, buộc chuyển công tác về xã; Và lần lượt ban hành tới 26 quyết định xử phạt hành chính, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 105 công trình, 20 nhà quán lều tạm; Hiện lại chuẩn bị ra quân cưỡng chế 9 đoạn tường rào lấn chiếm đường hẻm 30 Lê Thị Hồng Gấm và hẻm 51 Nguyễn Tất Thành...

Phải cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa, công trình của dân là việc đau xót, cực chẳng đã, “làm đâu đụng đó” nhưng chúng tôi cương quyết thực hiện, để bộ mặt thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp hơn. Ngay trong dự án tái định cư đường Hùng Vương này, cũng có 1 số cán bộ cao cấp đã lỡ mua đất của ông Y Đinh với giá cả tỷ đồng mỗi lô, sắp tới vẫn phải chấp nhận đền bù theo giá đất nông nghiệp. Sau lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, thành phố sẽ tiếp tục triển khai cưỡng chế đợt 2. Để tránh bị kiện tụng lôi thôi chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm triển khai các bước chặt chẽ hơn nữa. Mong nhân dân và báo chí ủng hộ - ông Vũ Văn Hưng nói.

MỚI - NÓNG