Một số vụ vi phạm trật tự xây dựng: Sẽ chuyển cho cơ quan điều tra

Dự án tòa nhà hỗn hợp Thăng Long phường Yên Hòa (Cầu Giấy) là một trong những công trình có nhiều vi phạm.
Dự án tòa nhà hỗn hợp Thăng Long phường Yên Hòa (Cầu Giấy) là một trong những công trình có nhiều vi phạm.
TP - “Vấn đề vi phạm trật tự xây dựng hiện nay đang diễn ra nghiêm trọng và nhức nhối. Nhiều đại biểu và cử tri tâm tư, chúng tôi cũng thấy bất cập. Với một số công trình vi phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra và tuỳ theo mức độ vi phạm thì truy tố để làm gương theo đúng luật”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định quan điểm đối với việc xử lý các công trình vi phạm.

Có tình trạng thanh tra xây dựng làm “ngơ” cho vi phạm

Đại biểu (ĐB) Đoàn Viết Cường cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) ở Hà Nội từ nhiều năm nay đã được ví như căn bệnh khó chữa khi diễn ra rất phổ biến trên địa bàn. Qua từng năm các vi phạm càng tăng, trong đó chủ yếu là diễn ra trên đất công và nông nghiệp, xây dựng quá số tầng, chiều cao, thay đổi công năng sử dụng... Còn theo ĐB Vũ Ngọc Anh, mặc dù HĐND thành phố cũng như UBND thành phố đã nhiều lần yêu cầu xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trên địa bàn nhưng con số công trình vi phạm ngày càng tăng. ĐB Anh dẫn chứng theo báo cáo của Sở Xây dựng, hết năm 2015 có hơn 280 công trình vi phạm chưa được xử lý nhưng chỉ trong 9 tháng năm 2016, số công trình vi phạm đã tăng lên là 596.

Qua đó có thể thấy rằng công tác quản lý TTXD còn hạn chế và ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ đầu tư, công trình còn yếu, thậm chí biết sai nhưng cố tình vi phạm. ĐB Anh đề nghị UBND thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới. Cũng liên quan tới vấn đề TTXD, ĐB Hoàng Tú Anh cho biết, các vi phạm tại công viên Tuổi trẻ đã kéo dài nhiều năm, thậm chí thành phố từng chỉ đạo phải xử lý chậm nhất trước quý 1/2013 nhưng đến nay đã hơn 3 năm vẫn không thể giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, có 31 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và tái chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề an toàn thực phẩm và quản lý đô thị. “Trả lời của các thành viên UBND thành phố có nhiều điểm mới, đầy đủ, thẳng thắn vấn đề nêu. Đặc biệt, ý kiến phát biểu của Chủ tịch thành phố thể hiện rất cao sự quyết tâm, quyết liệt, khắc phục những tồn tại đại biểu nêu, tạo niềm tin cho cử tri những năm tới”, bà Ngọc nói.

Giám đốc Sở Xây dựng, ông Lê Văn Dục thừa nhận tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn Hà Nội đang diễn ra khá phổ biến. Theo ông Dục nguyên nhân đầu tiên là do người dân cố tình vi phạm, thậm chí có trường hợp chủ đầu tư còn cố tình che chắn mặt ngoài và tiến hành xây dựng vi phạm ở bên trong. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ chính sự quản lý của các đơn vị Nhà nước có liên quan. Trong đó có tình trạng lực lượng thanh tra xây dựng có phát hiện ra vi phạm nhưng chậm báo cáo, thậm chí không báo cáo, làm ngơ hoặc không kiên quyết xử lý ngay từ những viên gạch đầu tiên của công trình nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Chính những nguyên nhân trên đã khiến cho các vi phạm về TTXD rất đa dạng và khó kiểm soát.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo ông Dục, kiên quyết không để phát sinh thêm các công trình vi phạm. Chúng tôi tổ chức giao ban về TTXD không chỉ hàng tháng mà hàng tuần. Và đề nghị có quy định nếu để công trình vi phạm đình chỉ ngay cán bộ thanh tra xây dựng ở địa bàn đấy.

Chuyển một số vi phạm TTXD sang cơ quan điều tra

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong 3 năm thực hiện năm “trật tự- văn minh đô thị”, bộ mặt đô thị Hà Nội có chuyển biến nhưng rất chậm nên đề nghị thành phố tiếp tục thực hiện kết luận của Thành ủy về trật tự văn minh đô thị, nâng mức cao hơn là kỷ cương, đảm bảo hiệu quả. Đề nghị UBND thành phố xem xét, cho rà soát các văn bản chỉ đạo, các quy định để làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành khi xảy ra tình trạng vi phạm TTXD, văn minh đô thị. “UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành theo thẩm quyền của mình dứt khoát xử lý nghiêm vi phạm, kiên quyết không để tình trạng vi phạm mới”, bà Ngọc nói.

Khẳng định quan điểm sẽ kiên quyết xử lý các công trình vi phạm, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, vi phạm TTXD hiện nay đang diễn ra nghiêm trọng và nhức nhối. “Nhiều đại biểu và cử tri tâm tư, chúng tôi cũng thấy bất cập. Thành phố thể hiện thái độ rất cương quyết. Đã rà soát các công trình vi phạm, trên tinh thần đó, vừa qua chúng tôi đã báo cáo Thường trực Thành ủy, với một số công trình vi phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra. Tùy theo mức độ vi phạm thì truy tố để làm gương theo đúng luật”, ông Chung nhấn mạnh.

Về đề xuất chính quyền xây dựng lực lượng phản ứng nhanh để giải quyết những nhức nhối về trật tự đô thị của Hà Nội hiện nay, ông Chung cho biết, Ban cán sự Đảng UBND thành phố họp nhiều lần, qua đó thấy những bất cập cho nên sắp xếp lại toàn bộ lực lượng thanh tra xây dựng chuyển về chủ tịch UBND các quận, huyện quản lý, trở thành đội trật tự xây dựng. “Riêng việc ĐB nêu có lập đội phản ứng nhanh không? Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ nghiên cứu, nếu phù hợp thì áp dụng”, ông Chung nói.

Tôi nêu vấn đề hút bùn không ám chỉ tiêu cực

Chiều 7/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin lại về phát biểu “chi 128 tỷ đồng nạo vét Hồ Tây mà không thấy mét khối bùn nào”. Ông Chung cho biết, đã nhận được văn bản báo cáo của UBND quận Tây Hồ về việc này. Theo đó, Ban quản lý Hồ Tây đã thực hiện trong 4 dự án từ năm 2011 đến nay và quyết toán hơn 80 tỷ đồng. “Các đồng chí báo cáo đã nạo vét được 440 ngàn mét khối bùn và được đổ ở hai nơi là Đông Anh và Thanh Trì”, ông Chung nói. Theo ông Chung, trên cơ sở báo cáo này, sau khi khảo sát sẽ đánh giá lại một cách tổng thể. Tuy nhiên, việc nạo vét trong những năm vừa qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế để làm sạch toàn bộ Hồ Tây. “Cá nhân tôi khi nêu vấn đề này thì tôi không hàm ý về vấn đề tiêu cực mà chỉ nêu vấn đề xung quanh hiệu quả, khối lượng chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, ông Chung nói.

MỚI - NÓNG