Lao Bảo, mùa săn dế

Lao Bảo, mùa săn dế
TP - Một đồng nghiệp rủ chúng tôi ngược đường Xuyên Á-Quốc lộ 9 ngót trăm cây số lên Lao Bảo để xem đồng bào... săn dế. Hóa ra, Lao Bảo lâu nay không chỉ nổi danh với Khu kinh tế-thương mại đặc biệt mà còn có một nghề kiếm cơm độc đáo.
Lao Bảo, mùa săn dế ảnh 1
Xâu dế để chuẩn bị đi chợ bán

Khi công việc nương rẫy khép lại là lúc những người phụ nữ dân tộc Vân Kiều, PaKô ở Lao Bảo, huyện biên giới Hướng Hóa này lại bắt đầu đi săn dế!

Họ gọi đây là nghề bởi nó giúp họ có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Bà Hồ Thị My, 45 tuổi ở bản Ka Tăng, áp Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo tỏ ra lo lắng khi chúng tôi ngỏ ý theo bà đi săn dế. Bà ngăn: “Nắng và xa lắm! Mất một ngày trời đó, mấy chú có đi nổi không?”.

Bà My kể: Ngày đó, mình mới lên ba đã cùng với những đứa trẻ khác trong bản theo mẹ vào rừng săn dế (tiếng Pa Kô gọi là Prít). Dế được săn là loại có màu nâu sậm, sống trong hang đất và lớn gấp 2-3 lần so với loại dế mà trẻ con ở vùng nông thôn vẫn dùng để đánh chọi khi hè về.

Dụng cụ săn dế chỉ đơn giản là một cái thuổng nhỏ (tiếng Pa Kô gọi là Xareng), lưỡi thuổng dài chừng 15cm làm bằng kim loại, cán dài chừng 50cm dùng để đào đất và một cái oi (tiếng Pa Kô gọi là Ađưng) dài chừng 40cm, rộng chừng 15cm, là một cái gùi thu nhỏ và luôn được đeo bên hông dùng để đựng dế.

Chỉ với hai dụng cụ đơn giản đó, một người phụ nữ người Vân Kiều hay Pa Kô có thể bắt tay vào công việc săn dế. Mùa săn dế kéo dài ba tháng cuối năm.

Tôi theo chân bà My cùng những người phụ nữ khác trong bản bắt đầu một ngày săn dế đầu tiên của mùa săn dế năm nay. Từ sáng sớm, mọi người đã chuẩn bị xong cơm nắm, nước uống và bắt đầu cho cuộc săn. “Phải là sáng sớm vì lúc này con Prít chưa rời hang. Với lại mình phải cần nhiều thời gian để bắt cho được nhiều Prít”- Bà My nói.

Địa điểm săn dế mà chúng tôi đến là vùng bãi bồi ven hai bờ sông Sê Pôn nằm giữa biên giới Việt-Lào. Nói là ven sông nhưng đi sâu vào thực địa cả 200m vẫn có nhiều hang dế.

Đang len lỏi dưới những tán cây bỗng bà My dừng lại dùng tay vén nhẹ bụi cây dại, rồi cười nói: “Con Prít đây rồi!”. Hai tay thoăn thoắt với cái thuổng nhỏ, bà My đào mấy nhát thuổng đã tóm gọn một chú dế béo căng tròn. Bà My cười: “Con này còn nhỏ, những con lớn có thể to gấp ba lần”.

Cách đó một bụi cây, bà My tiếp tục đào một hang và kéo ra một chú dế thứ hai lớn hơn con lúc nãy nhưng bà vẫn tỏ ra không hài lòng. Bà nói: “Mưa chưa nhiều, cỏ non còn ít nên con Prít còn nhỏ, phải gần tháng nữa Prít lớn mới nhiều”.

Việc quan sát tìm hang dế cũng là một điều khá thú vị. Bằng mắt thường, bà My có thể phát hiện được hang dế nằm ẩn ngay dưới các đám cây cỏ dày đặc mà không để sót hang nào.

Chị Hồ Thị Lan, 30 tuổi, “kíp săn dế” với bà My chỉ cho chúng tôi cách phát hiện hang dế. Hang có dế phải là hang có miệng hang kín, xung quanh miệng hang có nhiều mẫu đất mới, tơi xốp như ở các tổ kiến. Còn nếu miệng hang đã được nông ra là con dế đã rời hang đi tìm hang mới. Khi đó, những hang này thường có con vật khác vào ký sinh như rắn, rết.

Đào hang dế cũng phải biết hang nào là hang chính, hang phụ. Có con dế đào đến mấy hang, thông nhau và có cả cửa hang chính, phụ hòng thoát thân khi gặp nguy hiểm. Chiều sâu trung bình của các hang dế ở đây chừng 50cm, có hang sâu đến 1m nhưng cũng có hang chỉ một gang tay.

Những hang ngắn, trẻ con chỉ dùng tay múc nước sông đổ vào là tự ắt con dế chui ra khỏi hang. Thường thì mỗi hang một con nhưng cũng lắm khi một hang có đến 3 con. Cũng có hang không có con dế nào, thậm chí còn gặp cả rắn, rết. Sau khi tóm gọn được chú dế thì công việc đầu tiên là bẻ gãy chân dế để chúng không thể trèo ra khỏi cái oi đựng dế.

Có một quy ước đã đi vào tiềm thức của bà con dân bản là những con dế cái bụng căng trứng chuẩn bị sinh sản thì không bắt mà thả trở lại tự nhiên. Chị Lan nói: “Dân bản mình không ai bắt những con dế đang có bầu chờ ngày sinh đẻ. Bắt nó không ai sinh dế con cho mình để bắt vào mùa sau”.

Khi nước Lào vào mùa mưa, nước sông Sê Pôn dâng cao, dế chui ra khỏi hang và leo lên trú nước trên những ngọn cây gần bờ. Lúc này, việc săn dế rất dễ dàng, chỉ dùng tay tóm lấy từng con một cho vào oi. Không chú ý đến câu chuyện mà chị Lan kể với tôi, bà My cứ miệt mài với việc đào dế cho đến khi oi đầy dế.

Nghề kiếm cơm

Lao Bảo, mùa săn dế ảnh 2
A, tóm được một chú dế rồi!

Công việc săn dế kéo dài từ tờ mờ sáng cho đến xế chiều. Mọi người lại lục tục kéo nhau về để chuẩn bị dế sáng mai mang sang chợ Karôn bên nước bạn Lào, cách Cửa khẩu Lao Bảo hai cây số bán kiếm tiền đong gạo.

Công việc săn dế vất vả nhưng giúp những người phụ nữ ở đây kiếm thêm thu nhập mỗi khi nông nhàn. Gần 3 tháng trong mùa săn dế là thời gian mà cuộc sống của gia đình bà My với 8 miệng ăn không phải sợ thiếu lương thực dù lúa trên rẫy chưa đến mùa thu hoạch. Trên đường đi săn dế, người dân ở đây còn tranh thủ tìm kiếm thêm măng rừng, nấm để làm thực phẩm cho gia đình.

Thường thì dân đào dế chỉ đào đến 3 giờ chiều rồi mang dế đi thẳng đến chợ Karôn bán, lấy tiền mua thực phẩm và quay trở về nhà. Hôm nào dế ít, họ đào cho đến tối mới về nhà, sáng mai mới đem sang chợ bán. Lúc này trẻ con cùng tham gia vào việc xâu dế.

Mỗi xâu dế có 10 con bán cho các lái buôn với giá 2.000 kíp (tiền Lào) tương đương 4.000 đồng Việt Nam. Nếu có yêu cầu dế phải còn sống nguyên vẹn để nuôi nhốt lâu ngày thì dân đào dế phải dùng cái gùi to ngắt cây cỏ vào và dế mới đưa từ hang lên, không bẻ gãy chân cho vào gùi dùng nắp đậy lại và mang đến giao hàng.

Dế còn sống, lành lặn thì giá cao hơn khoảng gấp rưỡi so với bình thường. Một ngày đào dế nhiều nhất bà My có thể kiếm được hơn 60.000 đồng. Cũng có hôm dế ít, bán chỉ được 20.000 – 30.000 đồng, nhưng đối với bà My như thế là thấy vui cái bụng lắm rồi!

Nghề nguy hiểm

Công việc săn dế tưởng chừng như đơn giản ấy đôi khi cũng lắm mối hiểm nguy rình rập. Nguy hiểm nhất vẫn là bị rắn, rết cắn. Bà My cho biết, có những hang dế không có dế mà thay vào đó là rết, có khi là rắn vào trú ẩn. Những người đi săn dế nhiều khi bị rết cắn.

Chị Lan chỉ cho chúng tôi một cái hang dế trước mặt, nói: “Cái hang này mình không đào mô. Mình sợ có con híp (con rết) trong đó. Thường mấy hang trơn như thế rất dễ có híp. Ai mà không có kinh nghiệm thọc tay vào những hang này là bị con híp cắn. Nếu có thuốc của tụi mình thì hai ngày sau sẽ khỏi, còn không thì lâu lắm”.

Nhưng nguy hiểm hơn cả là bị rắn cắn. Qua mấy chục năm đi săn dế, bà My đã từng chứng kiến rất nhiều người không may đào trúng hang rắn và bị rắn cắn. May mắn thì chỉ thương tật nhẹ, nặng hơn một chút thì bị dị tật cả phần tay, tệ hơn là tử vong.

Bà My nhớ lại, cách đây chừng mấy năm, ở bản Ka Túp bên cạnh có một người phụ nữ trẻ tuổi bị rắn hổ mang cắn chết mà những người đi cùng không hề hay biết. Người này đi một mình, không có người đi cùng giúp sức cấp cứu khi bị rắn cắn.

Thường thì những người đi săn dế đi theo tốp, họ mang theo cả những bài thuốc gia truyền để sơ cấp cứu khi bị rắn, rết cắn. Với những vết thương do rắn độc cắn người bắt dế sử dụng thuốc được làm ra từ những loại cây rừng mà chỉ có những người lớn tuổi trong bản mới biết. Ngoài ra, đi săn dế vẫn có thể bị té xuống vực, suối ngầm nguy hiểm.

“Nguy hiểm thế sao cứ bám nghề này?” - Chúng tôi hỏi. Bà My trầm ngâm: “Mình cũng biết nghề này vất vả và nguy hiểm lắm chứ. Nhưng những lúc nông nhàn này biết làm gì để có cái ăn, cái mặc cho con mình. Với lại cái nghề này gắn bó với dân bản mình lâu lắm rồi”.

Thị trấn Lao Bảo trời về chiều. Bên bếp lửa cùng dân bản ở thị trấn vùng biên, cùng mọi người thưởng thức từng con dế nướng béo căng vàng, thơm nức, nhấp thêm ly rượu men sắn vốn là đặc sản của dân bản mới thấy hết được hương vị của núi rừng.

Bên kia cửa khẩu, những quán ăn của dân Lào vẫn nườm nượp thực khách đang say sưa thưởng thức món dế nướng. Ít ai biết rằng để có được những chú dế béo thơm nức dâng lên thực khách có công lớn từ bàn tay của những người phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô bên kia biên giới vẫn ngày ngày lặng lẽ làm công việc săn dế khá nguy hiểm giữa núi rừng Trường Sơn.

Lao Bảo-Đông Hà tháng 11/2008

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.