Chuyên gia quân sự, biên tập viên chính của trang tin MilitaryRussia, ông Dmitry Kornev đã chú ý tới phát biểu của Tổng thống Nga Putin trong cuộc thảo luận với Câu lạc bộ Valdai về việc từng bước giải trừ hạt nhân. Nga đang nỗ lực cho điều này, ông chắc chắn như vậy và nhấn mạnh rằng, nhiều nước hiện nay đang phát triển các hệ thống vũ khí mới mà sức mạnh của chúng không hề thua kém vũ khí hạt nhân.
Trên trang Izvestia, chuyên gia Dmitry Kornev giải thích, trước đây vũ khí hạt nhân cần thiết để tiêu diệt các mục tiêu lớn được bảo vệ cao, ví dụ như các sở chỉ huy, các công trình quân sự, các chiến hạm và tàu ngầm khổng lồ. Hiện nay, những nhiệm vụ này có thể hoàn thành mà không cần vũ khí hạt nhân, và Nga đã thành công trong vấn đề này.
Theo ông Dmitry Kornev, các đầu đạn hạt nhân có thể được thay thế, ví dụ, bằng các block tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có điều khiển với độ chính xác cao, thậm chí siêu thanh.
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại có khả năng trong khoảng thời gian nửa giờ có thể tiêu diệt mục tiêu ở bất kỳ nơi nào trên Trái đất với sai số từ 20 – 50m. Còn nếu sử dụng một vài đầu đạn với khối lượng 500kg chất nổ/đầu đạn, thì chắc chắn có thể tiêu diệt được mục tiêu.
Hơn nữa, các hệ thống phòng không hiện nay dường như rất khó khăn để đánh chặn các đòn tấn công này, chuyên gia Dmitry Kornev cho biết.
Theo Dmitry Kornev, hiện chưa quân đội nước nào có được các hệ thống vũ khí như vậy, nhưng Nga, Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành chế tạo. Ví dụ, tại một nhà máy thuộc thành phố Reutov/Nga đang thử nghiệm một thiết bị được gọi với mật danh là “Dự án 4202”, có thể trở thành nguyên mẫu của một vũ khí mới nhất, và sau khi hoàn thành thử nghiệm thì chúng có thể được trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat dưới dạng các đầu đạn.
Việc hiện đại hóa các tên lửa cũng rất khả quan, nhất là đối với những tên lửa tự hành dựa trên radar hoặc hình ảnh quang học của mục tiêu.
Ví dụ, tổ hợp tên lửa Iskander-M dự định sẽ được biên chế thêm một tên lửa có độ chính xác cao với đầu tự dẫn quang học, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu được bảo vệ cao thông qua hành ảnh từ vệ tinh hoặc máy bay cung cấp.
Việc này rất phù hợp với tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Chúng có thể tiêu diệt mục tiêu với sai số gần 30m ở khoảng cách 2.000km chỉ sau vài phút từ khi nhận được mệnh lệnh tấn công. Tuy nhiên, việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn hiện đã bị cấm bởi Hiệp ước Giải trừ tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Các tên lửa hành trình bố trí trên không, trên biển, hoặc trên mặt đất cũng hoàn toàn có khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược của đối phương. Hiện những tên lửa này có thể tiêu diệt các mục tiêu theo tọa độ được biết trước trong khoảng cách từ 500 tới 5.000km với độ chính xác cao. Trong lĩnh vực này, Nga có tên lửa Kalibr, các tổ hợp tên lửa X-555, X-101, thậm chí tổ hợp Iskander-M với tên lửa 9M728 / R-500.
Còn một phương tiện kiềm chế phi hạt nhân khác nữa có thể nói đến là các tên lửa chống hạm, như tên lửa siêu thanh Zircon sẽ được trang bị phổ biến trong Hải quân Nga thời gian tới.
Khả năng tiêu diệt mục tiêu của chúng (ví dụ tàu sân bay) đang được nâng cao đáng kể nhờ việc tăng khả năng bền vững của chúng trước các hệ thống phòng không của đối phương, cũng như nhờ khả năng sử dụng theo nhóm – khi một vài tên lửa cùng tấn công theo một nhóm phối hợp thống nhất.
Cuối cùng, các loại pháo nòng hoặc pháo phản lực cũng có thể thay thế cho vũ khí hạt nhân ở cấp chiến thuật trên chiến trường. Sau khi trinh sát chính xác và điều chỉnh hỏa lực, các đầu đạn và tên lửa của hệ thống pháo hỏa lực giàn dưới các hệ thống chỉ huy tự động có thể tấn công làm đối phương thiệt hại nghiêm trọng, chuyên gia này cho biết.
Các đầu đạn dưới dạng khối thuốc nổ của không quân hiện có cũng có thể được sử dụng với độ chính xác cao khi được trang bị trên các máy bay có hệ thống định vị và chỉ thị mục tiêu cải tiến.
Nói cách khác, Nga hiện đã có một khu dự trữ các phương tiện kiềm chế phi hạt nhân ấn tượng và trong tương lai thì những hệ thống này sẽ còn hiệu quả hơn. Điều này cho phép Nga có thể phản ứng linh hoạt hơn đối với các mối đe dọa phát sinh và trong điều kiện cần thiết có thể bảo vệ hiệu quả lợi ích quốc gia mà không gặp phải các nguy cơ hạt nhân.