Mỹ-Nga tố nhau tại cuộc họp về vũ khí hạt nhân của LHQ

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson (trái) và Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson (trái) và Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia.
TPO - Ngoại trưởng Mỹ tố Nga cản trở nỗ lực ngăn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên toàn cầu. Trong khi đại sứ Nga cho rằng, việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ gửi “tín hiệu tồi tệ” đến Bình Nhưỡng.

Tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc về không phổ biến vũ khí hạt nhân hôm qua (21/9), Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson cáo buộc, Nga có những hành động gây ảnh hưởng xấu đến các quy tắc toàn cầu, bao gồm việc làm suy yếu tính độc lập của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong nỗ lực điều tra các chương trình hạt nhân bí mật.

“Thật không may, những năm gần đây, Nga đã có những hành động làm suy yếu các quy tắc toàn cầu và cắt giảm các nỗ lực quốc tế để buộc các quốc gia phải chịu tổn thất.

Có thể dẫn chứng, Nga vi phạm nghĩa vụ theo Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), không tuân thủ các bảo đảm an ninh được đưa ra vào cuối Chiến tranh Lạnh, chống đối những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong quá khứ để đảm bảo an ninh hạt nhân và tìm cách làm suy yếu tính độc lập của IAEA trong việc điều tra các chương trình hạt nhân bí mật”, Sputnik trích phát biểu của ông Tillerson tại Liên Hợp Quốc (LHQ).

Phản ứng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia mỉa mai: “Thật ngạc nhiên khi nghe Ngoại trưởng Mỹ nói Nga đang làm suy yếu IAEA, điều này thật mới mẻ đối với chúng tôi”.

Đại diện của Moscow tố ngược rằng, Washington sẽ gửi thông điệp sai lầm đến Triều Tiên và lật đổ niềm tin vào các chính sách ngoại giao nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, RT đưa tin.

“… Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA thì đây sẽ là tín hiệu tồi tệ nhất mà chúng ta có thể gửi tới Triều Tiên”, Nebenzia nhận định.

Theo đại sứ Nga, Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận lịch sử về hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức – là biểu tượng của chiến thắng ngoại giao đa phương, là minh chứng cho thấy ngay cả những vấn đề quốc tế phức tạp nhất cũng có thể được giải quyết thông qua đàm phán.

“Gần đây, chúng tôi phải chứng kiến những động thái vô trách nhiệm, đơn phương nhằm phá hỏng thỏa thuận tập thể mang tính đột phá này”, ông Nebenzia phát biểu.

Mỹ-Nga tố nhau tại cuộc họp về vũ khí hạt nhân của LHQ ảnh 1 Các nước ký vào hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Ảnh: AFP

Ở một biến khác, 50 quốc gia thành viên LHQ chính thức ký một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ.

Được biết, hiệp ước trên đã được 122 quốc gia tại Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 7. Tuy nhiên, không quốc gia nào trong 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel, đồng ý tham gia.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên án hiệp ước với lý do, nó có thể gây thêm trở ngại vì tạo ra sự chia rẽ.

Theo Theo Sputnik, RT
MỚI - NÓNG