Lãnh đạo VFF nhận trách nhiệm nhưng né việc từ chức

Lãnh đạo VFF nhận trách nhiệm nhưng né việc từ chức
TP- Lãnh đạo VFF, thành viên BHL đội tuyển U23 Việt Nam đều nhận trách nhiệm trong thất bại của bóng đá tại SEA Games 24. Nhưng khi “được” báo giới đề cập thẳng vấn đề từ chức, lãnh đạo VFF lại né tránh và đổ lỗi cho… cơ chế.

> Riedl từ chức, VFF tính sao?

Lãnh đạo VFF nhận trách nhiệm nhưng né việc từ chức ảnh 1
Một số cầu thủ U23 Việt Nam tham gia buổi tọa đàm.

HLV Riedl “được”... tha

Buổi tọa đàm kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ giữa thường trực VFF, Hội đồng HLV quốc gia, các chuyên gia bóng đá và báo giới vào sáng qua đã mổ xẻ khá kỹ nguyên nhân thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 24.

Ngoài báo cáo của HLV Mai Đức Chung và Phó phòng Các ĐTQG và Đào tạo trẻ Nguyễn Trọng Giáp với nguyên nhân chủ yếu là do quá tải bởi thi đấu quá nhiều trận, trách nhiệm của HLV Riedl tiếp tục được đề cập đến trong phần phát biểu của Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng.

Trên tư cách cá nhân, là bạn trong nhiều năm và khá hiểu tính cách của HLV Riedl, ông Lê Hùng Dũng nhận định việc HLV Riedl thay đổi quyết định, tung toàn bộ lực lượng mạnh nhất vào mọi trận đấu, mọi giải đấu trước thềm SEA Games sau khi bóng đá VN có sự thăng hoa nhất định tại ASIAN Cup và vòng loại Olympic 2008, là do ông muốn nâng giá bản thân trước sự săn đón của các “đại gia” Tây Á trước khi hợp đồng với VFF kết thúc.

Song, thất bại tại SEA Games 24 và phải từ chức chắn chắn khiến giá trị của ông Riedl bị sụt giảm khá nhiều và đây chính là sự trừng phạt nghiêm khắc nhất với một HLV nhà nghề.

Tuy nhiên, đây cũng là ý kiến duy nhất về HLV Riedl, bởi sau đó Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đã đề nghị không quy trách nhiệm cho người vắng mặt.

Việc bản hợp đồng mà cựu Tổng Thư ký Phan Anh Tú thay mặt VFF ký kết với HLV Riedl ba năm trước không có điều khoản buộc HLV Riedl phải kiểm điểm trách nhiệm cũng được bỏ qua khi một cựu Tổng Thư ký khác là ông Phạm Ngọc Viễn khẳng định nó chẳng khác gì bản hợp đồng mà chính tay ông Viễn đã ký với HLV người Áo trong những lần trước đó do cùng dựa trên mẫu của FIFA.

Vì vậy, ông Viễn cho rằng việc VFF bỏ ra tới 80 triệu đồng để thuê một văn phòng luật rà soát và giám sát việc thực hiện hợp đồng là thừa và lãng phí!

Đụng đâu sai đó

Lãnh đạo VFF nhận trách nhiệm nhưng né việc từ chức ảnh 2
Buổi tọa đàm có mặt nhiều chuyên gia bóng đá Việt Nam

Trừ trách nhiệm của HLV A.Riedl, những ý kiến đóng góp của các đại biểu đều chỉ ra những thiếu sót cơ bản trong công tác tổ chức, điều hành của VFF và thực chất đó đều là những thiếu sót của cả nền bóng đá Việt Nam.

Đó là mối quan hệ tương hỗ giữa BHL người Việt, HLV các CLB có tuyển thủ và HLV trưởng người nước ngoài, là cơ chế giám sát, can thiệp đúng phương pháp của VFF cho dù HLV trưởng có toàn quyền quyết định.

Chuyên gia Trần Duy Long nhận định, VFF đã “bỏ quên” mảng khoa học TDTT, vì vậy những ý kiến đóng góp của HLV người Việt của VFF không được HLV Riedl chấp thuận là do thiếu chứng cứ khoa học từ các xét nghiệm y học cũng như không phát huy hết được tiềm năng cầu thủ.

Một ví dụ cay đắng về sự thiếu hợp tác giữa CLB và đội tuyển cũng được ông Long đưa ra là khi thấy Vũ Phong tiến lên chuẩn bị sút luân lưu 11m, HLV Lê Thụy Hải đã thốt lên: “Chết rồi, sao lại để Vũ Phong đá 11m. Ở Bình Dương, tôi có bao giờ để nó đá đâu vì toàn đá lên trời”. Và kết quả đúng như lời ông Hải.

Đó là văn hóa ứng xử, kỹ thuật cơ bản, tính chuyên nghiệp của các cầu thủ còn yếu. Lực lượng cầu thủ quá mỏng do không được đào tạo tốt cũng như BHL chỉ “ngồi ghế sa lông mà chọn cầu thủ”, bỏ sót nhân tài.

Đó là việc các CLB ồ ạt chiêu mộ ngoại binh cho những vị trí then chốt, giao cho nội binh vị trí thứ yếu nên đội tuyển là nơi gánh chịu hậu quả đầu tiên. Đó là việc các cầu thủ hưởng lương quá cao, mức chuyển nhượng trên trời khiến nhiều cầu thủ có ảo tưởng về tài năng của mình, mắc bệnh "sao".

Một vấn đề cũng được HLV Trần Văn Phúc, thành viên Hội đồng HLV quốc gia nêu lên khá gay gắt là lúc bình thường thì chẳng ai nhớ tới cái Hội đồng này còn khi thất bại lại lôi ra kiểm điểm.

Ông Phúc bức xúc nói: “SEA Games diễn ra mà ngay Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia cũng chẳng được VFF gửi cho lấy một cái vé máy bay hay tấm vé xem bóng đá để theo dõi, vậy khi đội tuyển thất bại sao lại lôi Hội đồng HLV quốc gia vào cùng kiểm điểm trách nhiệm. Như vậy là có vô lý quá không?”.

Ý kiến của ông Phúc khiến Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ phải lúng túng và thừa nhận bộ mấy điều hành VFF quá quan liêu. 

Có ai sẽ ra đi như Riedl?

Câu trả lời là không! Cuối buổi tọa đàm, trong lúc Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ phát biểu kết luận, các nhà báo đã đặt câu hỏi liệu có quan chức VFF nào dám đứng ra nhận trách nhiệm, chế tài cho mình và ra đi như HLV Riedl hay không.

Im lặng một lúc, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ mới trả lời: “Đặc thù cơ chế của nước ta khác với nước khác, vì vậy quan điểm của VFF là kiểm điểm nội bộ để xem những cá nhân liên quan đã tận tâm tận lực, làm hết trách nhiệm với công việc hay chưa, còn bị vướng mắc bởi ràng buộc nào của cơ chế hay không, rồi từ đó mới đưa ra những biện pháp thấu tình đạt lý”.

Bởi vậy, theo Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, sau buổi tọa đàm sáng qua, VFF sẽ có thêm một cuộc kiểm điểm nội bộ sâu sắc khác với đầy đủ cán bộ liên quan.

MỚI - NÓNG