Lạng Sơn phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế cửa khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Khu kinh tế cửa khẩu Ðồng Ðăng- Lạng Sơn là một trong 9 khu kinh tế quan trọng của cả nước, được thành lập cuối năm 2008 với quy mô gần 400 km2. Tại đây, có các công trình phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu xây dựng đồng bộ, liên hoàn với nhiều trang thiết bị hiện đại; các khu vực bến bãi hay tuyến đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt- Trung.

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng địa phương này sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Ðông Bắc.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII xác định, giai đoạn từ năm 2020-2025, địa phương tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lạng Sơn phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế cửa khẩu ảnh 1

Du khách qua biên giới Lạng Sơn thăm thân, tìm cơ hội đầu tư .Ảnh: Duy Chiến


Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết: Lạng Sơn có vị trí quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, nơi có tuyến đường huyết mạch 1A xuyên Việt và tuyến đường sắt xuyên Á, liên vận quốc tế Việt-Trung và nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) -Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng (Việt Nam), nên tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng ở khu vực cửa khẩu này.

Đến nay, các hạng mục, công trình phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, hệ thống bến bãi, kho tàng, sân bãi được tỉnh đầu tư cơ bản hoàn thiện. Nổi bật là công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa qua mốc 1119-1120 hoàn thành đưa vào sử dụng, đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng lên rõ rệt. Cụ thể, 5 năm gần đây, tỉnh đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng yếu ở các cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng); cửa khẩu song phương Chi Ma (huyện Lộc Bình), Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), với tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu từ năm 2016 đến nay đạt hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó từ nguồn vốn ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng.

Lạng Sơn phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế cửa khẩu ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành chức năng Lạng Sơn luôn quan tâm kiểm tra, đôn đốc công tác tại cửa khẩu .Ảnh: Duy Chiến

Bên cạnh đó, Lạng Sơn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, ban hành nhiều cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Đến nay, đã có 126 dự án trong nước được đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 13.000 tỷ đồng và 20 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký hơn 207 triệu USD.

Trong đó, ba dự án khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu được xác định là các dự án trọng điểm để tập trung thu hút đầu tư; ngoài ra, tại các cửa khẩu hiện có 29 dự án đầu tư kinh doanh bến bãi với số vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng; gần 50 dự án đầu tư trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ với số vốn đầu tư đăng ký hơn 3.100 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, lưu giữ, bảo quản hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu.

Lạng Sơn phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế cửa khẩu ảnh 3

Cán bộ Trung tâm quản lý cửa khẩu thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế CK Đồng Đăng- Lạng Sơn phát nước miễn phí cho du khách XNC .Ảnh: Duy Chiến

Nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh

Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương - đơn vị kinh doanh bến bãi tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho hay, doanh nghiệp này đã đầu tư vào hạ tầng cửa khẩu trong chuỗi logistics. Đến nay, cơ sở hạ tầng đã đáp ứng được gần 1.000 phương tiện lưu, đỗ hằng ngày, phục vụ tốt hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị sang tải hàng hóa 100% đối với những lô hàng đã được đăng ký trong ngày, không để tồn đọng, giảm chi phí cho các doanh nghiệp và các đơn vị làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn chia sẻ, cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Từ tháng 2/2022, tỉnh chính thức vận hành nền tảng cửa khẩu số ở tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu qua biên giới. Hiện tất cả các xe hàng khai báo và xử lý thông tin trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh. “Việc triển khai nền tảng cửa khẩu số đã góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp tại các cửa khẩu của tỉnh. Qua đó, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Duy nói.

Lạng Sơn phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế cửa khẩu ảnh 4

Xe chở hàng qua cửa khẩu Chi Ma .Ảnh: Duy Chiến

Lạng Sơn phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế cửa khẩu ảnh 5
Lạng Sơn phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế cửa khẩu ảnh 6

Mỗi ngày có khoảng 800 xe chở hàng đến biên giới Lạng Sơn chờ thông quan sang Trung Quốc .Ảnh: Duy Chiến

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết: Phát huy tiềm năng, lợi thế, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu để khu vực này trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Với những kết quả đã đạt được trong những năm qua, cùng với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực, đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu sẽ tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa với thời cơ, vận hội mới và sẽ là điểm đến tin cậy và hứa hẹn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tỉnh Lạng Sơn có đường biên giới dài 231,74km tiếp giáp với Trung Quốc, có 12 cửa khẩu, trong đó có hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu song phương Chi Ma và chín cửa khẩu phụ. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII xác định, giai đoạn từ năm 2020-2025, cần tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

MỚI - NÓNG