Lãng phí

Lãng phí
TP - Giữa những ngày Tết Quý Tỵ vừa qua, báo chí đưa tin lúa của người nông dân ĐBSCL chín rục ngoài đồng mà không có người mua, giá thấp. Nay sau mấy ngày Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đồng loạt mua tạm trữ lúa đông xuân ở ĐBSCL theo chỉ đạo của Chính phủ, giá lúa vẫn chưa tăng như kỳ vọng.

> Làm nhiều lúa vẫn nghèo
> Hỗ trợ chuyên môn cho Cục an toàn thực phẩm

Trong khi giá vật tư, phân bón, công thu hoạch mỗi ngày một tăng thì thất trớ trêu, giá lúa lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Một nông dân cho biết, cả gia đình 5 người làm quần quật suốt 3 tháng trời cũng chỉ thu lãi được 12 triệu đồng trên 1 ha ruộng. Đấy là hộ có nhiều đất, còn đối với hộ chỉ có vài ngàn mét vuông ruộng coi như cầm chắc cái nghèo quanh năm.

Năm ngoái, Việt Nam xuất 7,7 triệu tấn gạo, thu về 3,5 tỉ USD. ĐBSCL hiện có khoảng 4 triệu hộ trồng lúa với lợi nhuận bình quân 3,8 triệu đồng/người/năm tương đương 316.250 đồng/người/tháng, thu nhập dưới cả ngưỡng nghèo hiện nay là 400.000 đồng/người/tháng.

Báo Thanh Niên trích lời GS Nguyễn Lân Hùng: “Ta cứ giữ khư khư gần 4 triệu héc - ta lúa để xuất khẩu mỗi năm chỉ được hơn 3 tỉ USD. Trong khi Pháp chuyển 1 triệu héc - ta trồng lúa mỳ sang trồng nho để xuất khẩu mỗi năm thu 11 tỉ USD.

Rồi họ dành một phần số tiền này để mua lương thực từ các nước. Vấn đề an ninh lương thực rất quan trọng, nhưng bên cạnh lúa gạo, phải để nông dân làm giàu lên bằng rất nhiều loại cây trồng khác”.

Trên Tiền Phong, tiến sỹ Lê Anh Tuấn ở Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) đặt câu hỏi: “Việt Nam có cần phải đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo để lo cái ăn cho thế giới? Theo tôi, có lẽ cần nghĩ đến mục tiêu giúp nông dân làm giàu nhiều hơn là sản lượng lúa. Cần có cái nhìn toàn diện trong khai thác tiềm năng và bảo vệ sự phát triển bền vững ĐBSCL”.

Còn cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị nói thẳng: “Theo tôi, sản lượng lúa cần giảm. Mắc mớ gì dân ta đi lo nuôi ai? Mình làm không lấy được lợi tức bao nhiêu, làm nhiều chỉ nghèo nhiều thì không làm. Ai cần lương thực, đến đây đầu tư, nhờ mình làm để đảm bảo an ninh lương thực cho người ta thì mình mới làm. Mình chỉ lo an ninh lương thực cho nước mình thôi”.

Vẫn biết trong thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nông nghiệp lại chính là lĩnh vực giúp chúng ta phát triển bền vững với 8 mặt hàng xuất khẩu cán mốc 1 tỉ USD, trong đó có lúa gạo.

Toàn ngành nông nghiệp xuất siêu trên 10 tỉ USD. Song đã đến lúc cần tính đến bài toán hiệu quả cho hàng chục triệu người nông dân trồng lúa, giúp họ không những thoát nghèo mà còn từng bước làm giàu trên chính thửa ruộng của mình.

Xin đừng lãng phí mồ hôi, công sức của những người nông dân quanh năm trồng lúa “một nắng hai sương”, để rồi thu nhập bình quân của họ, thật xót xa vẫn cứ dưới chuẩn nghèo.

Với hàng triệu hộ nông dân, đây chính là một sự lãng phí không hề nhỏ !

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG