Hội thảo 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam:

Lan tỏa sức mạnh mềm, đầu tư xứng tầm

TP - Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển diễn ra ngày 27/2, là dịp tiếp tục khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Lan tỏa sức mạnh mềm, đầu tư xứng tầm ảnh 1
Đại biểu tham quan triển lãm 80 bức ảnh tư liệu quý từ năm 1945 tới nay. Ảnh: Như Ý

Tầm vóc lịch sử

Hội thảo khai mạc sáng 27/2 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), thu hút gần 300 đại biểu trực tiếp và tại 63 điểm cầu trên cả nước. Hội thảo gồm một phiên chuyên đề và một phiên thảo luận bàn tròn, tập trung làm rõ hai nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam; Văn hóa, con người Việt Nam-Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Hội thảo nhận được 173 tham luận của các cơ quan, tổ chức, nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa nghệ thuật. Nhiều tham luận đi sâu phân tích về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng và phát triển văn hóa, con người từng vùng miền…

Trong Báo cáo trung tâm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Đề cương về Văn hóa Việt Nam luôn tạo sức hút, sức thuyết phục và khả năng quy tụ mạnh mẽ tri thức, tâm huyết khát vọng cống hiến của toàn thể nhân dân Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử dân tộc. Ông Hùng nêu quan điểm, đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững.

“Đây chính là kết quả nhận thức có được từ việc kế thừa, phát huy một cách khoa học nền tảng, giá trị mang ý nghĩa khởi nguồn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Xây dựng trợ lý ảo về văn hóa Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số. Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân. “Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hóa, thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Lãnh đạo Bộ TT&TT cho rằng, việc học tập thời nay cũng có nhiều thay đổi khi người dân tiếp cận tri thức theo phương thức hỏi - đáp, bởi vậy cần xây dựng công cụ trợ lý ảo (như ChatGPT) chuyên về văn hóa Việt Nam. Mọi công dân Việt Nam có thể đối thoại, nói chuyện mọi lúc mọi nơi, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả.

Khơi thông nguồn lực

Từ điểm cầu TPHCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trình bày tham luận về phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Thành ủy TPHCM xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp ủy đảng về giá trị Đề cương về Văn hóa Việt Nam, tập trung phát triển văn hóa, xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.

Lan tỏa sức mạnh mềm, đầu tư xứng tầm ảnh 2
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận bàn tròn. Ảnh: Như Ý

Bên cạnh phiên thảo luận chuyên đề, các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia văn hóa tích cực thảo luận bàn tròn nhằm tìm ra nhóm giải pháp căn cốt cho phát triển văn hóa. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của khơi thông các nguồn lực, sức sáng tạo của con người Việt Nam, từ đó chuyển hóa thành các nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào.

“Việt Nam vốn được các nhà nghiên cứu đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú nhưng chưa lọt vào danh sách 30 cường quốc về sức mạnh mềm”, bà Phương nêu. Đóng góp của văn hóa chỉ chiếm 3,61% GDP (số liệu năm 2018). Điều này cho thấy Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng về lợi thế văn hóa. Điểm nghẽn xuất phát từ luật đầu tư chưa đặt đầu tư văn hóa ở mức ưu tiên.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất tạo mô hình “ba nhà” gồm nhà nước, nhà đầu tư và nhà sáng tạo và nhấn mạnh vai trò, vị thế của văn hóa trong thời đại mới: “Phải coi văn hóa là một lĩnh vực được đầu tư ưu tiên như một mặt trận. Mặt trận này cần được đầu tư như y tế, giáo dục, giao thông vận tải”. Văn hóa có tính đặc thù, tính thị trường, vì vậy, những loại hình nghệ thuật như tuồng chèo, cải lương… cần có cơ chế đặc thù để phát triển thay vì tự chủ hoàn toàn.

Bàn luận sâu hơn về thể chế, chính sách phát triển văn hóa, PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nói rằng, thể chế phát triển văn hóa phải gắn liền với sự phát triển của tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để văn hóa trở thành nhân tố bên trong, nội dung, bản chất và sức mạnh nội sinh của mỗi chủ thể, đặc biệt khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang tăng tốc.

“Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực cho sự phát triển, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, thậm chí làm biến dạng sự phát triển. Vì vậy nhận thức đúng và xây dựng được thể chế phù hợp là rất quan trọng”, PGS.TS Trần Quốc Toản nêu. Ông cho rằng, dù phải đẩy mạnh phát triển thị trường văn hóa, dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa nhưng không phải tất cả các lĩnh vực, các sản phẩm văn hóa đều trở thành hàng hóa và bị chi phối bởi các quy luật của cơ chế thị trường. Có những lĩnh vực văn hóa không thể phó mặc cho cơ chế thị trường và có những lĩnh vực cần vận dụng cơ chế thị trường một cách phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy phát triển văn hóa.

Tin liên quan