Lần đầu tiên thử nghiệm đại trà thuốc chữa Ebola

Thử nghiệm lâm sàng được hy vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ tìm ra một phương thuốc điều trị Ebola chính thức, làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh dịch chết người. Ảnh: Reuters.
Thử nghiệm lâm sàng được hy vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ tìm ra một phương thuốc điều trị Ebola chính thức, làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh dịch chết người. Ảnh: Reuters.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) sẽ thử nghiệm lâm sàng hai loại thuốc kháng virus và liệu pháp truyền máu trên hàng trăm bệnh nhân Ebola ở Guinea và Liberia vào tháng 12.

Theo CNN, đây là những thử nghiệm lâm sàng chưa từng có tiền lệ bởi các phương pháp này chưa trải qua thử nghiệm lâm sàng lâu dài trên động vật và người khỏe mạnh trước khi dùng cho người bệnh.

Theo bác sĩ Annick Antierans của MSF, nỗ lực hợp tác quốc tế lần này đại diện cho hy vọng tìm kiếm phương pháp chữa trị thực sự chống lại căn bệnh mà tới nay đã giết chết 50-80% người nhiễm.

Các đợt thử nghiệm lâm sàng ba phương pháp điều trị nói trên sẽ do 3 nhóm nghiên cứu dẫn đầu, trong đó tập trung vào việc tìm kiếm cách thức hữu hiệu chống Ebola. Khác với thông thường là bệnh nhân được chia làm hai nhóm dùng thuốc và không sử dụng thuốc để lấy kết quả so sánh, trong thử nghiệm lần này tất cả bệnh nhân đều được dùng thuốc. Sau đó, các nhà khoa học sẽ theo dõi tỷ lệ người khỏi bệnh sau 14 ngày có cải thiện so với khi không điều trị bằng thuốc hay không.

Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên thực hiện với thuốc Brincidofovir tại một trung tâm y tế ở thủ đô Monrovia (Liberia). Brincidofovir trước đây đã được dùng cho Thomas Eric Duncan, bệnh nhân Ebola đầu tiên tại Mỹ. Tuy nhiên, người này đã tử vong tại bệnh viện Texas Health Presbyterian sau một tháng điều trị. Nhà quay phim tự do đài NBC Ashoka Mukpo, người nhiễm virus tại Liberia cũng được điều trị bằng loại thuốc này trong thời gian ở tại bệnh viện Nebraska. Anh đã hồi phục và xuất viện hồi tháng 10.

Loại thuốc thứ hai trong thử nghiệm lâm sàng là Favipiravir. Thuốc được dùng trên các bệnh nhân ở thị trấn Gueckedou, miền nam Guinea. Trước đó, nữ y tá Teresa Romero Ramas, bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên bên ngoài châu Phi được điều trị bằng Favipiravir và đã hồi phục. Cô chính thức xuất viện đầu tháng 11 năm nay.

Liệu pháp truyền máu là phương thức thứ ba trong thử nghiệm lâm sàng tháng tới, bố trí thực hiện tại thủ đô Conakry của Guinea. Truyền máu từ bệnh nhân Ebola thoát chết cho người nhiễm bệnh - dù chưa có nghiên cứu nào chứng minh - là phương pháp đầy hứa hẹn được Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến nghị. Theo các chuyên gia, trong huyết thanh của người nhiễm Ebola đã khỏi bệnh chứa các kháng thể có khả năng chống lại virus chết chóc này.

Trong số những bệnh nhân Ebola được điều trị bằng truyền máu có bác sĩ Mỹ Kent Brantly, nhân viên cứu trợ Rick Sacra và y tá Mỹ gốc Việt  Nina Phạm. Cả ba bệnh nhân đều hồi phục khỏe mạnh.

Công bố thử nghiệm lâm sàng được đưa ra hôm 13/11 trong bối cảnh số tử vong vì Ebola trên toàn thế giới đã vượt mốc 5.000 người.

Theo Khánh Hà

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG