Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tổ chức chương trình huấn luyện nông dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp |
Nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển từ ngành sản xuất sang nền kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”… Cụ thể hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người”.
“Chúng tôi mong các địa phương và các bộ, ngành cùng vào cuộc để hiện thực hóa chiến lược vì một mình Bộ NN&PTNT không thể triển khai hết được. Thông qua chiến lược, tôi mong các địa phương trong quá trình phát triển cân nhắc, tập trung nhiều hơn nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đừng xẻ đồi chè ra làm bất động sản mà hãy cân nhắc được và mất của người nông dân trước khi chuyển đổi”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
“Bộ NN&PTNT rất nghiêm túc trong xây dựng chiến lược và thực hiện chiến lược. Đến một thời điểm nào đó, chúng tôi mong xã hội sẽ hiểu được nền nông nghiệp Việt Nam có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất giải quyết vấn đề nội tại ngành và quan trọng hơn là tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới”, ông Hoan nói.
Xóa tình trạng manh mún
Trước câu hỏi của PV Tiền Phong về các giải pháp khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, việc thiếu cơ quan dự báo, phân tích khiến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong trạng thái tù mù, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời rằng, nông nghiệp nước ta bị “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, tự phát ám ảnh suốt bao năm nay. Đó là điểm yếu kéo theo hàng loạt vấn đề trên. Nếu xây dựng được thông tin minh bạch thì cung cầu quyết định giá, còn thông tin bất cân xứng không ai có thể can thiệp được.
“Chiến lược lần này sẽ đặt nền tảng tổ chức lại sản xuất. 10 triệu hộ nông dân không thể sản xuất trên 10 triệu mảnh ruộng. Sự manh mún, nhỏ lẻ sẽ khiến chúng ta không dự báo được thị trường dẫn tới sản phẩm sản xuất theo lợi thế của mình, nhưng chưa chắc đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Hoan nói.
Dẫn chứng từ câu chuyện cà rốt tại Hải Dương khi người dân nơi đây phân từng luống, trồng theo yêu cầu kích cỡ của từng thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…, nên giá luôn ở mức cao, ông Hoan cho rằng, chỉ cần thay đổi tư duy và cách làm cũ, nông sản sẽ cho giá bán khác. “Lâu nay, các ngành chức năng mới chỉ hướng dẫn nông dân sản xuất chứ chưa dạy nông dân làm giàu, nghĩa là dạy cách bán nông sản, bán niềm tin cho khách hàng. Người nông dân mới được hỗ trợ để nâng cao sản lượng mà chưa giúp họ nâng cao giá trị”, ông nói.
Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch phối hợp một số đơn vị đẩy mạnh chương trình huấn luyện nông dân, thúc đẩy nông dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hình thành thế hệ nông dân chuyên nghiệp, tinh thông.
Ông Hoan cho biết, ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn thông qua hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững để xây dựng thương hiệu hoặc nhóm thương hiệu nông sản quốc gia, vươn tầm thế giới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng chiến lược lần này sẽ được định vị đúng vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; góp phần thay đổi diện mạo xã hội ở nông thôn. Ông cho biết, sau khi chiến lược được ban hành, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục trình Chính phủ kế hoạch hành động để các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc, không để nội dung, ý tưởng nằm trên giấy.