Cảnh báo này được đưa ra sau khi phân tích 12 nghiên cứu từ năm 1958 tới nay, gồm tổng cộng 22.000 người trên toàn thế giới. Các nhà khoa học thuộc Viện Sức khỏe nghề nghiệp Phần Lan đã thực hiện phân tích này và thấy rằng những người làm việc hơn 8 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 40-80%.
Tác động này được nêu ra khi những người tham gia được hỏi về khoảng thời gian họ làm việc trong ngày, nhưng khi các tác giả kiểm soát chặt chẽ giờ làm việc thì nguy cơ mắc bệnh tim là gần 40%.
Nhà nghiên cứu chính, tiến sĩ Marianna Virtanen cho rằng những tác động này có thể là do ‘tiếp xúc với căng thẳng trong thời gian dài’. Những nguyên nhân khác có thể là thói quen ăn uống kém và không tập luyện do có ít thời gian nghỉ ngơi.
Người lao động tuổi trung niên làm việc từ 55 giờ trở lên mỗi tuần có chức năng não kém hơn những người làm việc không quá 40 giờ. Người Anh có số giờ làm việc cao nhất ở châu Âu, với làm việc toàn thời gian trung bình là 42,7 giờ mỗi tuần, ở Đức là 42 giờ và ở Đan Mạch là 39,1 giờ.
Ước tính mỗi năm có hơn 5 triệu người lao động ở Anh chưa được trả tiền làm thêm giờ dựa theo công việc của họ.
Năm 2009, nhóm nghiên cứu này cũng phát hiện ra là làm việc nhiều giờ làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ về sau. Tác động này tương đương với tác động của hút thuốc.
Tiến sĩ Virtanen cho biết “Một vài cơ chế có thể ẩn dưới mối liên quan giữa làm việc nhiều giờ và bệnh tim”. Ngoài việc tiếp xúc với căng thẳng tâm lý trong thời gian dài, các nguyên nhân khác có thể làm tăng nồng độ hóc-môn căng thẳng cortisol, thói quen ăn uống kém và ít hoạt động thể lực do thiếu thời gian nghỉ ngơi.
Hoàng Thái
Theo DMail