“Lạm phát” lãnh đạo

Minh họa: Dân Trí
Minh họa: Dân Trí
TP - Đó là thực trạng mà Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã vừa nêu tại diễn đàn Quốc hội. Ông Nhã nói, “chúng ta không chỉ lạm phát ngân sách mà còn có lạm phát cán bộ cấp phó”, rồi đặt câu hỏi “tại sao nước mình lại nhiều cấp phó như vậy ?”.

Ông Nhã kiến nghị : “Với 139.000 cấp phó, mỗi năm ngân sách sẽ phải chi tới mấy ngàn tỷ đồng và sẽ còn tăng vì lạm phát cấp phó chưa giảm. Quốc hội cần có nghị quyết giới hạn cấp phó hưởng ngân sách không quá 3 người, trường hợp đặc biệt xin thêm phải báo cáo Quốc hội, nếu làm được như vậy thì nền hành chính sẽ hiệu quả hơn”.

Xin lưu ý con số 139.000 cấp phó, theo ông Nhã, là tương đương với 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp và tổ chức hưởng lương ngân sách trên cả nước. Trên thực tế số lượng cấp phó sẽ còn nhân lên tới 2-3 thậm chí 4-5 lần, có nơi tới 7-8 cấp phó. Theo cách tính của đại biểu Nhã, trung bình mỗi cấp phó hàng năm tốn khoảng 30 triệu đồng tiền ngân sách cho phụ cấp điện thoại, xăng xe, điện nước, công tác phí…. Với 139.000 vị đã tiêu tốn ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng tiền phụ cấp, thực tế con số này sẽ phải nhân với dăm ba lần nữa. Còn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Đương thì nêu : “Vì sao lại có nhiều người phấn đấu lên làm lãnh đạo thế, để dân kêu quá!? Cần phải thu hút trung thần, những người tận tụy, biết lo cho dân thì đất nước mới phát triển được” .

“Trung ngôn thì nghịch nhĩ”, lời nói thẳng của các vị ĐBQH như trên bao giờ cũng khó nghe với ai đó, nhưng chắc chắn lại được đại đa số dân chúng tán đồng. Về lý thuyết, đã có trưởng thì phải có phó giúp việc cho trưởng. Nhưng nếu có quá nhiều người giúp việc thì cấp trưởng sẽ làm gì? Nếu chỉ ngồi nghe báo cáo thì rất dễ quan liêu, trong khi bộ máy lãnh đạo vừa cồng kềnh lại vừa tốn kém mà không hiệu quả. Không chỉ tốn có mấy chục triệu tiền ngân sách phụ cấp cho mỗi vị như ông Nhã tính, còn có những thứ khác tốn hơn, ví như lương bổng, phòng ốc, sa- lông, bàn ghế, thậm chí cả người giúp việc cho các cấp phó nữa. Và quan trọng hơn, ĐB Nhã còn chưa thể tính hết cái tốn, cái hại khôn lường cho dân cho nước nếu “một bộ phận không nhỏ” trong số 139.000 vị cấp trưởng kia trót đề bạt “nhầm” các vị cấp phó, chưa kể tình trạng bổ nhiệm ồ ạt ngay trước khi cấp trưởng về hưu như vừa từng xảy ra.

Tình trạng “lạm phát” cấp phó mà các ĐBQH nêu liệu có mối liên hệ nào tới tâm lý thích làm lãnh đạo, làm quan trong xã hội chúng ta hiện nay? “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, quan niệm mặc định được lưu truyền trong dân chúng xưa nay hẳn lý giải cho câu hỏi nhức nhối mà ĐB Đương nêu ra – “Vì sao lại có nhiều người phấn đấu lên làm lãnh đạo thế ?”. Chừng nào trong xã hội Việt Nam còn phổ biến tâm lý thích phấn đấu (và cả chạy chọt) lên làm lãnh đạo, chừng nào vẫn còn ít người mơ ước, phấn đấu trở thành những nhà khoa học, chuyên gia hay thợ giỏi lành nghề, chừng đó đất nước chưa thể phát triển!

Nếu có cấp trưởng giỏi ắt sẽ có cấp phó giỏi, khỏi phải lo “lạm phát” cấp phó. Khi có nhiều lãnh đạo giỏi, ắt sẽ thu hút được nhiều chuyên gia giỏi, đất nước sẽ cất cánh đi lên, đó là hồng phúc lớn cho dân tộc!.

MỚI - NÓNG