Gây ấn tượng với hình ảnh mẹ bỉm sữa bế con đi gọi vốn trong một chương trình thực tế về khởi nghiệp, Đỗ Phan Hoàng Sương (28 tuổi) - nhà sáng lập DalatFOODIE đã trở thành động lực, truyền cảm hứng đến nhiều bà mẹ có con nhỏ và đam mê kinh doanh.
Chị Đỗ Phan Hoàng Sương (bên trái), nhà sáng lập DalatFOODIE, kinh doanh thực phẩm organic với mong muốn đưa đến nhiều sản phẩm tốt cho bà bầu và trẻ nhỏ. Ảnh: U.P |
Hoàng Sương là người có con nhỏ nên chị đồng cảm với nỗi trăn trở chung của các mẹ bỉm sữa về sự an toàn thực phẩm, sức khỏe con cái. Do đó, khi lập DalatFOODIE, chị đặt mục tiêu mở rộng cộng đồng nuôi trồng, sản xuất thực phẩm hữu cơ, nâng cao nhận thức về sức khỏe, môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.
“Thực phẩm hữu cơ đa phần đều không đẹp, nếu không muốn nói là xấu, quả nhỏ, rau nhìn không mướt mắt. Lý do là không sử dụng phân hóa học trong quá trình canh tác và không dùng chất bảo quản sau thu hoạch. Với những khách chưa từng biết đến thực phẩm hữu cơ sẽ không hiểu điều này, nhưng nếu đã mua thử một lần, họ sẽ có cái nhìn khác”, Sương chia sẻ.
Ngoại đạo với nông nghiệp, việc trồng rau đến với chị Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Organic như một cơ duyên. “Khi mang thai đứa con đầu tiên, tôi bắt đầu tìm hiểu những sản phẩm có lợi cho bà bầu và thai nhi. Quá trình đó dẫn dắt tôi đến với thực phẩm organic. Song động cơ thúc giục tôi sản xuất và kinh doanh thực phẩm organic là ngoài tốt cho sức khỏe còn góp phần cải tạo môi trường đất, nước đã bị ô nhiễm nặng sau bao năm canh tác bằng phân hóa học và thuốc trừ sâu vô cơ”, chị Thảo kể.
Gom tiền thuê mặt bằng mở cửa hàng, nhưng số sản phẩm có chứng nhận của Mỹ và EU rất ít, nguồn hàng lúc đó cũng không nhiều nên chị Thảo quyết định lập trang trại rau organic để đảm bảo nguồn cung cũng như đạt chuẩn quốc tế. Vì là tay ngang, chị Thảo phải tự mày mò học hỏi, sau đó là tìm kiếm vốn. Gọi vốn khó vì làm nông nghiệp organic nhiều rủi ro, ít người muốn đầu tư. Sau bao gian nan trang trại ra đời.
May mắn cho chị, giữa năm 2015 trang trại rau organic đã được trao chứng nhận của Mỹ và EU. Đây cũng là trang trại trồng rau nhiệt đới đầu tiên của Việt Nam có được chứng nhận này.
Còn nhiều dư địa để khai thác
Gần 10 năm theo đuổi chuỗi thực phẩm sạch, chị Phạm Phương Thảo đã mở được loạt cửa hàng kinh doanh thực phẩm organic ở TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Đến hệ thống cửa hàng của chị, người tiêu dùng không chỉ tìm thấy các loại sản phẩm hữu cơ rau, thịt, cá… mà còn có các loại thức uống, nước rửa chén cho đến đôi tất mềm mại. Tất cả những mặt hàng ấy là kết quả của công sức tìm tòi, của những chuyến đi khắp trong Nam ngoài Bắc, những chuyến xuất ngoại đi Mỹ, Đức, Trung Quốc,… của chị Thảo để đem về những sản phẩm hữu cơ phục vụ khách hàng trong nước.
“Tôi muốn trở thành một nhà cung cấp những gì ngon nhất, sạch nhất cho người Việt. Tôi ước mong tới một lúc người tiêu dùng sẽ hiểu được thế nào là thực phẩm hữu cơ. Khi tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, bên cạnh lợi ích cho chính họ và gia đình về mặt sức khỏe, còn góp phần vào việc bảo vệ, phát triển bền vững môi trường”, chị trải lòng.
Báo cáo nghiên cứu của Nielsen (công ty chuyên nghiên cứu thị trường) mới đây cho thấy, sức khỏe và công việc tiếp tục là các mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam; trong đó 44% người được khảo sát cho biết sức khỏe là điều họ quan tâm nhất. Bà Louise Hawley, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam nhận định: “Dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi thói quen và hành vi của người tiêu dùng, cũng như tạo ra những xu hướng mới, từ việc chủ động mua sắm những sản phẩm an toàn cho sức khỏe cho đến trữ nguồn thức ăn thiết yếu tại nhà”.
Còn mẹ bỉm sữa Đỗ Phan Hoàng Sương, chị vẫn xuất hiện đều đặn livestream (trực tuyến) để tiếp thị rau củ. Không tập trung nhiều về bán hàng, bà chủ trẻ chủ yếu hướng dẫn cách chế biến, bảo quản thực phẩm sao cho giữ lại chất dinh dưỡng nhiều nhất. Hiện tại, DalatFOODIE tập trung nghiên cứu và phát triển nhiều dòng thực phẩm chế biến từ rau quả hữu cơ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của từng phân khúc khách hàng. “Mọi người thường nghĩ làm hữu cơ khó nên ít người làm. Tôi luôn tìm cách làm đơn giản nhất để mọi người cùng làm được. Đừng ngại khó mà không làm”, Sương nhắn nhủ.
Để người tiêu dùng tuyệt đối an tâm, DalatFOODIE bảo hành trên từng cọng rau. “Vì bất cứ lý do gì, nếu khách nhận hàng hoặc ăn thử không hài lòng có thể đổi lại. Có người lo ngại với chính sách này có thể tỉ lệ hàng đổi trả cao nhưng thực tế chỉ khoảng 2%. Ai cũng có tính thiện, mình làm tốt thì khách hàng nào nỡ lợi dụng”, bà mẹ trẻ Hoàng Sương nói.
Theo một số chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn rất thiếu những đơn vị cung cấp thực phẩm sạch theo đúng chuẩn khắt khe của những bà mẹ bỉm sữa muốn mua cho con. Do đó, “miếng bánh” thực phẩm sạch vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.