Trăn trở khi thấy hàng tấn nông sản ùn ứ, hư hỏng do chờ đợi để xuất khẩu ngay trong đợt dịch COVID-19, Trần Thị Diễm My (30 tuổi), đại diện của nhóm Biostarch (Công ty Biostarch tại TPHCM) quyết định làm “túi biết thở” giúp thực phẩm, nông sản được bảo quản tốt nhất.
Giải bài toán bảo vệ môi trường
Với chiếc túi làm từ tinh bột có mùi thơm thảo mộc trên tay, Trần Thị Diễm My khiến tôi đi từ ngạc nhiên đến thích thú khi nghe cô nói về hành trình tạo ra đứa con tinh thần độc đáo này. “Tôi nghe những câu chuyện xuất khẩu chuối, dưa hấu, thanh long… bị đình trệ dẫn đến hư hại nhiều. Hình ảnh những container chở nông sản xếp hàng dài trong nhiều ngày liền để qua cửa khẩu vào Trung Quốc, do chờ đợi lâu nên hàng hư hỏng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Đi siêu thị, tôi thấy nhiều rau củ quả phải sớm đổ bỏ do bảo quản trong túi ni-lon thông thường, hơi nước không thoát ra khiến sản phẩm nhanh hư hỏng. Đây là lý do tôi muốn tạo ra sản phẩm giúp bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn, hiệu quả hơn” - Diễm My chia sẻ.
Diễm My và đứa con tinh thần “túi biết thở”. Ảnh: PV |
Làm chủ công nghệ sinh học, Diễm My và các cộng sự nghiên cứu, tạo ra bao bì bảo quản sinh học, hay còn gọi là “túi biết thở”. Túi được làm từ nguyên liệu chính là tinh bột sắn mì công nghiệp Việt Nam kết hợp sử dụng nano trong cấu thành vật liệu. Diễm My cho biết, lớp màng của túi dù không thấm nước nhưng lại cho không khí xuyên qua, có thể giúp rau củ, trái cây tươi lâu hơn từ 10-20 ngày, tùy điều kiện.
“Những sản phẩm nông nghiệp kết hợp với công nghệ có tính ứng dụng cao là xu hướng của thế giới. Với “túi biết thở”, khi chúng ta đưa hàng hóa nông sản ra thế giới có thể cạnh tranh được với sản phẩm của các quốc gia khác. Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta cần phải tạo sự mới lạ, khác biệt, tạo ra lối đi riêng thì mới có thể thành công”.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit
“Cấu trúc tinh bột tạo thành các lỗ rỗng giúp đẩy khí ethylen (khí làm trái chín) thoát ra, làm chậm quá trình chín của rau củ, trái cây. Khả năng thấm khí giúp không khí trong túi được tuần hoàn liên tục, giảm nhiệt độ phát sinh từ quá trình rau củ quả hô hấp, nhờ đó tăng thêm được thời gian bảo quản nông sản. Bạn có thể thấy những trái chuối xanh đựng trong túi thông thường sau 8 ngày đã chín, thâm đen. Nếu dùng túi biết thở, với cùng thời gian trên, chuối vẫn đẹp ở mẫu mã và bên trong ngon lành”- My giải thích.
Theo Diễm My, Việt Nam hàng năm xuất khẩu 3,8 tỷ USD rau quả, trái cây với tỷ lệ hư hao cao 40%. Giá trị nông sản của Việt Nam ở mức thấp do chưa có biện pháp hiệu quả giúp giải bài toán bảo quản trước và sau thu hoạch. Trong khi đó, việc sử dụng túi nhựa trong khâu bảo quản làm phát sinh thêm một bài toán khác, đó là ô nhiễm rác thải nhựa. Do đó “túi biết thở” không chỉ giúp trái cây tươi lâu hơn, mà còn giải được bài toán bảo vệ môi trường.
Hướng tới xuất khẩu
Diễm My và các cộng sự có cùng khát vọng khởi nghiệp và đam mê chinh phục sản phẩm mới. Họ đều tâm huyết làm sao có thể mang trí tuệ Việt nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, phục vụ tốt cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Khởi nghiệp ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, tuy gặp một số khó khăn nhất định nhưng nhóm Biostarch vẫn kiên trì với con đường đã chọn ngay từ đầu, đó là xác định việc ra đời sản phẩm với mục tiêu chính là giúp bảo vệ thực phẩm, giúp thực phẩm tươi lâu hơn. Bên cạnh đó, việc bảo vệ các sản phẩm bản địa phong phú trong nước cũng giúp nâng cao giá trị nông sản, biến những loại cây trồng thông thường trở thành sản phẩm giá trị gia tăng cao.
"Túi biết thở" chính thức được tung ra thị trường vào tháng 10/2020 với 3 kích cỡ khác nhau dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng và có giá từ 600-1.500 đồng/chiếc. “Tuy mới ra đời nhưng sản phẩm túi biết thở đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường về sản phẩm bao bì bảo quản, đặc biệt là thực phẩm an toàn, rất cao” - My tự tin nói.
Phân khúc khách hàng Diễm My hướng đến là các công ty chuyên xuất khẩu rau, quả ra nước ngoài; các chuỗi cửa hàng phân phối rau, quả hữu cơ. Sản phẩm đã có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản…; trung bình mỗi tháng có khoảng 300kg “túi biết thở” được xuất khẩu.
Bên cạnh “túi biết thở” bảo quản rau quả, Diễm My và các cộng sự đang nghiên cứu phát triển thêm dòng túi chuyên dùng để bảo quản thịt, các loại hải sản. “Chúng tôi đang nghiên cứu một số sản phẩm mới để giúp bảo quản thịt và hải sản lâu hơn, giúp hạn chế phát sinh vi khuẩn khi lưu trữ hải sản trong thời gian dài” - Diễm My chia sẻ thêm.
(Còn nữa)