Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ: Lên non '3 cùng'

0:00 / 0:00
0:00
Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ những ngày đầu mới thành lập. - Ảnh: Nguyễn Thành
Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ những ngày đầu mới thành lập. - Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Sau hơn 4 năm thành lập, từ vùng đồi núi cằn cỗi, làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam) nay đã xanh tươi, đầy sức sống. Ở đó, những cán bộ của Tổng đội Thanh niên xung phong (tỉnh Đoàn Quảng Nam) ngày đêm cắm bản cùng thanh niên địa phương làm giàu trên mảnh đất khó.

Cài “chuyên gia” vào làng

Đầu tháng 3, chúng tôi lên thăm lại làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ. Từ vùng đất hoang sơ, cây cối um tùm hơn 4 năm trước, nay cảnh vật đã đổi thay nhiều, đường bê tông chạy thẳng vào làng giữa hàng cây xanh mát. Hai bên là những dãy nhà san sát, cây cối mướt xanh, đầy sức sống. Tiếng trẻ thơ reo cười, ríu rít gọi nhau đến trường trong nắng mới...

Có khách, anh Nguyễn Ngọc Thu thay bộ đồ lao động lấm lem rồi niềm nở rót nước, chuyện trò. Anh Thu là cán bộ của Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam được phân công về làng phụ trách từ những ngày đầu. Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với hoạt động kinh tế gắn công tác thanh niên miền núi, đồng bào vùng khó khăn, anh Thu được Tổng đội tin tưởng cử lên đây với trọng trách ở lại cùng thành niên ươm mầm những mô hình, xây dựng thành công mô hình làng lập nghiệp điển hình. Cùng với anh Thu, còn có 2 thành viên khác của Tổng đội được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc hoạt động của làng. Trong đó anh Thu là người trực tiếp “cắm bản”.

Anh Thu kể, trước đây anh được phân công về vùng núi Trà My để dạy thanh niên vùng cao trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Được Tổng đội đưa về lại TP Tam Kỳ công tác chưa được bao lâu anh lại phải xa vợ con, khăn gói lên Nam Giang để cùng thanh niên lập làng, khởi nghiệp. Anh gắn bó với thanh niên, tháng 2 lần về xuôi thăm gia đình.

“Cơ duyên và cũng là cái nghiệp của mình gắn bó với thanh niên, nên nay đã 45 tuổi rồi vẫn phải xa nhà, xa vợ con. Bù lại, lên đây sống cùng anh em trẻ, thấy mình cũng trẻ ra cả chục tuổi. Vui cùng niềm vui của anh em khi những cố gắng đã bước đầu cho thành quả”,  anh Thu cười nói.

Ngày lao động sản xuất cùng anh em, hướng dẫn tỉ mỉ từng bước, từng công đoạn trong trồng trọt chăn nuôi, tối đến anh đi đến từng nhà để hỏi han, nắm bắt nguyện vọng của từng gia đình để có định hướng, điều chỉnh phù hợp. Anh Thu trở thành “già làng” và cũng là “chuyên gia” nông nghiệp của làng.

Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ: Lên non '3 cùng' ảnh 1 Hướng dẫn các hộ dân làng thanh niên lập nghiệp trồng trọt, chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành

Để khuyến khích thanh niên làm ăn phát triển kinh tế, Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng hẳn một khuôn viên vườn, chuồng trại quy mô, xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi để thanh niên học tập. Những đàn gà, đàn lợn được nhân giống tại chỗ, cung cấp, hỗ trợ cho các hộ gia đình để bước đầu làm ăn. Anh Thu cho biết: Nhiều hộ gia đình của làng đã có nguồn thu nhập ổn định, với mức bình quân 40 – 50 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập khá, nhiều người ngày đầu lên làng không dám nghĩ tới.

ARất Bước (36 tuổi) là một trong số thanh niên điển hình làm ăn kinh tế giỏi của thôn. Bốn năm trước, Bước cùng vợ - chị Bloong Thị Vàng là một trong số 20 hộ dân đầu tiên xung phong lên lập làng. Bước kể, gia đình nghèo lại đông anh em, nên vợ chồng phải ở chung cùng bố mẹ. Khi có chủ trương mở làng, Bước bàn với vợ xin đăng ký tham gia. Lên đây định cư, được hỗ trợ tiền để làm nhà, có vốn làm ăn, lại được hướng dẫn cách trồng trọt chăn nuôi, đến nay vợ chồng Bước đã có thu nhập ổn định. Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình Bước là một điển hình của làng thanh niên.

Đồng hành đến ngày thành công

Anh Bùi Thành Vinh, Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam trực tiếp phụ trách, đôn đốc, theo dõi, đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp. Đều đặn, tháng 2-3 lần, anh Vinh cùng anh chị em lại có mặt ở làng để tập huấn, phổ biến các kiến thức, kỹ năng mới trong trồng trọt chăn nuôi, các chính sách mới.

Rút kinh nghiệm từ thất bại ở làng Thanh niên lập nghiệp A Sờ (Đông Giang) sau khi xây dựng bàn giao cho địa phương thì đổ bể, anh Vinh cho biết: Khi lên kế hoạch xây dựng làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, Tổng đội được giao nhiệm vụ đồng hành xuyên suốt quá trình xây dựng, phát triển của làng. Ngay từ khâu tuyển chọn, Tổng đội xây dựng tiêu chí cụ thể để tuyển những hộ thanh niên có khát vọng, có bản lĩnh, chấp nhận khó khăn, có định hướng phát triển…

Vì thanh niên đa phần là người dân tộc thiểu số với nhiều tộc người khác nhau, khi triển khai xây dựng, Tổng đội cấp vốn hỗ trợ để các hộ tự làm nhà ở theo đúng sở thích, tập tục của dân tộc mình, không theo khuôn mẫu cố định như các dự án trước đây.

“Nhà cửa với anh em đồng bào vùng cao rất quan trọng bởi nó gắn liền với tập tục, thói quen sinh hoạt hàng ngày. Điều này rất quan trọng để anh em gắn bó với nơi ở mới”, anh Vinh cho biết.

Xây dựng các mô hình thành công, nhưng để duy trì và phát triển là một bài toán khó. Để làm được việc này, bài toán đầu ra đã được Tổng đội thanh niên tính toán. Đầu năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất tại làng thanh niên được thành lập, để đảm bảo chuẩn từ đầu vào đến quá trình trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời kết nối tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho làng. Tương lai, sẽ xây dựng trở thành hợp tác xã, đăng ký các sản phẩm đặc trưng để xuất ra thị trường. Để làng thanh niên lập nghiệp phát triển bền vững, cần có một đơn vị của Tổng đội ở lại đồng hành với người dân từ 10 đến 15 năm. Đồng hành đến ngày sản phẩm làm ra, tiêu thụ bài bản theo chuỗi cung ứng bền vững.

Chị Phạm Thị Thanh, Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Nam cho biết: 60 hộ dân làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ đã có cuộc sống ổn định. Nhiều mô hình thực tế đạt hiệu quả cao. Kế hoạch trong năm 2021 sẽ nhân rộng mô hình, phát triển tổ hợp tác, kêu gọi các thành viên của làng cùng tham gia. 

Tỉnh Đoàn Quảng Nam đang xin ý kiến xây dựng đề án hỗ trợ để có sự quản lý sau khi kết thúc quá trình đầu tư của Trung ương Đoàn đối với làng thanh niên lập nghiệp, trước khi chuyển về cho huyện quản lý. “Phải đảm bảo khi bàn giao cho địa phương quản lý thì làng thanh niên lập nghiệp đã thực sự có hình hài trọn vẹn, có hướng phát triển bền vững. Lúc đó mới gọi là thành công”, chị Phạm Thị Thanh nói.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.