Làm nhiều lúa vẫn nghèo

Làm nhiều lúa vẫn nghèo
TP - Sau hai ngày Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đồng loạt mua tạm trữ lúa đông xuân ở ĐBSCL theo chỉ đạo của Chính phủ, niềm hy vọng giá lúa tăng cao chưa đến với nông dân.

> Những 'Vua lúa' cao nguyên
> Xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới: Nông dân vẫn nghèo

Nông dân bán lúa ngày 21-2 ở Kiên Giang. Ảnh: Hồng Lĩnh
Nông dân bán lúa ngày 21-2 ở Kiên Giang. Ảnh: Hồng Lĩnh.

Giá lúa giảm, thiếu máy gặt

Ngày 21-2, anh Nguyễn Ngọc Chính, ngụ tại ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết: Giá lúa chưa phơi giống IR 50404 thương lái thu mua ở mức 4.300 – 4.350 đ/kg; Jasmine 85 giá 5.200 – 5.300 đ/kg, tăng 100-150 đ/kg so với mấy ngày trước đó. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái thì giá lúa vẫn thấp hơn khoảng 1.000đ/kg.

Trong khi đó, ông Phan Đình Nghĩa, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Giồng Riềng, nói: “Toàn huyện có 43.800 ha lúa đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Với giá lúa mua dự trữ cho nông dân cỡ 4.500đ/kg giống IR 50404 (lúa khô) thì người dân lãi không được bao nhiêu”.

Tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 100.000 ha trong tổng số gần 300.000 ha lúa đông xuân.

Năng suất ở các huyện vùng U Minh Thượng trung bình đạt 6-7 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha so với năm 2012. Ước tính vụ đông xuân này toàn tỉnh sẽ thu hoạch khoảng 2 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, giá lúa hiện nay vẫn đang ở mức thấp, nông dân không có lãi.

Sáng 21-2, Phó chủ tịch UBND xã Hoà An (Phụng Hiệp, Hậu Giang) Trần Ngọc Vũ cho biết, giá lúa đang có chiều hướng giảm. Ở xã Hoà An, nông dân trồng lúa IR50404, đã thu hoạch vụ đông xuân từ một tuần trước và bán lúa tươi tại ruộng khi vừa suốt. Vào đầu vụ thu hoạch, theo ông Vũ, thương lái đến đặt cọc 4.300 đ/kg, hôm nay thương lái mua trả tiền ngay chỉ còn 4.200 đ/kg.

Ông Lý Vững Miền, 53 tuổi, làm 1,5 ha lúa ở ấp 4, xã Hoà An, tính toán: Với giá 4.200 đ/kg, vụ đông xuân này ông chỉ lời được khoảng 12 triệu đồng/ha. Gia đình ông 5 người, sau hơn 3 tháng mưa nắng “chỉ lấy công làm lời”.

Trưởng ấp 4 là bà Nguyễn Thị Hoa Huệ cho biết, hộ ông Miền có nhiều ruộng trong ấp nên còn khá giả, chứ nhiều hộ khác chỉ có từ 2.000m2 đất ruộng trở lại thì “trèo triền miên”. Ấp 4 có 450 hộ, nay còn 150 hộ nghèo (33,3% tổng số hộ) và 32 hộ cận nghèo (7,1%).

Ông Lê Văn Bạc ở ấp 12, xã Vị Trung (Vị Thuỷ, Hậu Giang), vừa thu hoạch 0,6 ha lúa IR50404, cho biết năng suất cao nhưng giá lúa giảm khoảng 200 đ/kg so với cùng kỳ năm trước: “Trong lúc, các loại vật tư nông nghiệp đều tăng giá cao nên làm lúa không còn lời”.

Trong các loại giá tăng, giá thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang đang có chiều hướng tăng mạnh nhất vì vụ đông xuân xuống giống đồng loạt theo lịch của ngành NN-PTNT mà máy gặt đập liên hợp lại tăng không kịp theo dự kiến.

Tổng diện tích lúa vụ đông xuân này ở tỉnh Hậu Giang trên 80.000 ha, vượt 2,3% so với kế hoạch, còn máy gặt đập liên hợp đến nay mới có 138 chiếc, chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khi vào thu hoạch rộ tháng 2.

Ông Lý Vững Miền cho biết giá thu hoạch đã tăng lên 3 triệu đồng/ha với lúa đứng, 4 triệu đồng/ha với lúa đổ và khó tìm máy để thuê.

Phó chủ tịch UBND thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) Phan Thanh Cường lo lắng, thị trấn có hơn 4.200 ha lúa đông xuân nhưng chỉ có 2 máy gặt đập liên hợp, “ngoài rằm thu hoạch đông ken là thiếu nhân lực thấy rõ, chưa biết xoay xở thế nào”.

Cần giảm sản lượng và diện tích lúa?

Nông dân chờ đợi VFA khai thông nguồn xuất khẩu lớn để tăng lượng mua, từ đó hy vọng giá tăng. Còn VFA lại đang dự báo xuất khẩu gạo năm 2013 khó khăn hơn năm 2012 vì nguồn cung dồi dào từ nhiều nước châu Á, bên cạnh nhiều nước còn tồn kho lượng lớn từ năm ngoái, nhất là Thái Lan. Bộ NN-PTNT thì chỉ đưa ra được những “khuyến cáo” chung chung.

Tiến sỹ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ), băn khoăn: “Việt Nam có cần phải đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo để lo cái ăn cho thế giới? Theo tôi, có lẽ cần nghĩ đến mục tiêu giúp nông dân làm giàu nhiều hơn là sản lượng lúa. Cần có cái nhìn toàn diện trong khai thác tiềm năng và bảo vệ sự phát triển bền vững ĐBSCL”.

Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói thẳng: “Theo tôi, sản lượng lúa cần giảm. Mắc mớ gì dân ta đi lo nuôi ai? Mình làm không lấy được lợi tức bao nhiêu, làm nhiều chỉ nghèo nhiều thì không làm. Ai cần lương thực, đến đây đầu tư, nhờ mình làm để đảm bảo an ninh lương thực cho người ta thì mình mới làm. Mình chỉ lo an ninh lương thực cho nước mình thôi”.

Nhìn lại nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo “An ninh lương thực ở Việt Nam và chuỗi giá trị lúa gạo” trình bày tại “Hội thảo quốc tế con đường phát triển lúa, gạo chất lượng cao Việt Nam” tại Sóc Trăng ngày 10-11-2011, có những quan điểm rất cần xem xét.

Báo cáo cho rằng: “Việc duy trì một loạt các chính sách để tiếp tục sản xuất dư thừa lúa gạo theo mùa vụ và hàng năm không thể nào hoàn toàn lý giải chỉ bằng vấn đề an ninh lương thực”, “Người sản xuất sẽ không thể bán sản phẩm của mình hoặc sẽ phải chịu áp lực giảm giá” và do đó “người sản xuất gạo Việt Nam thực ra được hưởng lợi tương đối ít”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.