Tỷ lệ đấu loại ở mỗi địa phương có khác nhau, nhưng cơ bản đều căng thẳng. Riêng các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, trung bình 3 học sinh thi sẽ có một em bị “rụng”, tức cứ 10 học sinh lớp 9 sẽ có 3 đến 4 em không được vào lớp 10 trường công.
Những cuộc đấu căng thẳng đó xuất phát từ quan điểm phân luồng để định hướng nghề nghiệp. Những học sinh không vào được trường công sẽ chuyển sang học trường tư hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên hay các trường đào tạo nghề.
Lý thuyết là vậy, song thực tế không đơn giản như vậy. Vì rằng, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện cho con học trường tư với học phí cao ngất ngưởng. Trong khi, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường đào tạo nghề không phải chỗ nào cũng thuận tiện cho việc đi lại hoặc phù hợp với nhu cầu, năng lực học tập của các em.
Chưa kể, nhiều cơ sở rất nghèo nàn về ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo không đảm bảo. Với không ít rào cản, nhiều học sinh đã phải “bỏ ngang” chuyện học hành để ra đời sớm và vô hình trung các em đang trong độ tuổi đã bị tước đi quyền được học hành của mình.
Định hướng nghề nghiệp là điều rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp, việc làm của cá nhân và xã hội. Song, điều đó sẽ trở nên sai lầm khi áp đặt vào lứa tuổi 15. Các em còn khá nhỏ, chưa phù hợp nên đa phần phải thu hái quả non. Định hướng nghề nghiệp, nếu có thì chỉ nên là sự gợi mở, việc lựa chọn trên cơ sở tự nguyện chứ không phải bắt buộc bằng cách ấn định tỷ lệ như hiện tại.
Các cấp học phổ thông thực ra chỉ là giai đoạn phổ cập, học sinh chỉ cần học nhẹ nhàng, vừa sức là đủ và đủ điều kiện tốt nghiệp cấp dưới là có thể chuyển lên cấp trên cho đến hết bậc phổ thông. Với tư cách trẻ em, học sinh đương nhiên phải được hưởng quyền đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải đảm bảo điều kiện học tập cho trẻ em. Và điều đó đã được hiến định.
Điểm mấu chốt trong suốt quá trình học tập và cần phải siết chặt kể cả đầu vào lẫn đầu ra là cấp đại học thì không những không siết mà còn mở bung, mở toang cửa. Nơi nào cũng mở trường đại học nhưng nhiều trường không có người học.
Để kéo người học, nhiều trường đã “vơ bèo vạt tép” bằng cách hạ tiêu chuẩn đầu vào xuống mức rất thấp, có nơi mỗi môn chỉ 3 đến 4 điểm cũng được vào đại học.
Chất lượng đầu vào kém và được đào tạo trong điều kiện thiếu thầy và thiếu mọi thứ sẽ hiển nhiên cho ra những sản phẩm giáo dục kém chất lượng. Cùng với đó là việc đào tạo lệch pha, không gắn với nhu cầu xã hội nên hàng loạt “cậu Cử” không thể kiếm nổi việc làm, cầm bằng đại học nhưng thất nghiệp vẫn tràn lan.
Nói như cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, việc hạ thấp chất lượng giáo dục là cách tàn phá quốc gia một cách nhanh nhất. Đi ngược và làm ngược trong chính sách giáo dục hiện nay cũng dẫn đến tai họa không nhỏ đối với tương lai đất nước.