Làm luật chậm vì bộ ngành mải “soi” lợi ích

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.
TP - “Hầu hết người đại diện các bộ chỉ soi xem có ảnh hưởng gì tới bộ mình hay không chứ không mang tư tưởng đây là vấn đề lớn của đất nước, nhu cầu bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp... Cách làm luật của các bộ ngành xưa nay không đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phản ánh tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6/10.

Giảm thu hơn 9 nghìn tỷ mỗi năm

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đưa ra hàng chục lĩnh vực hỗ trợ, như hỗ trợ về thị trường, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, công nghệ, mua sắm công... Đáng chú ý là vấn đề hỗ trợ tài chính trên cơ sở hỗ trợ thuế suất thuế thu nhập DN. Qua đó, DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 3% so với mức thuế suất thuế thu nhập DN, đối với doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 5%.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ các DNNVV trên diện rộng là không khả thi và đề nghị không quy định ưu đãi thuế để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời hỗ trợ giảm thuế là hỗ trợ trực tiếp, mặc dù không nhằm vào hoạt động xuất khẩu, nhưng cần xem xét khả năng dẫn đến bị áp dụng các biện pháp về chống trợ cấp trong cam kết quốc tế.

Cơ quan soạn thảo khẳng định, các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ tín dụng... hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế. Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với việc cần có hỗ trợ về thuế, tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính, trên cơ sở tính toán sơ bộ các nội dung ưu đãi, miễn giảm thuế như trên sẽ làm ngân sách Nhà nước giảm thu 9.388 tỷ đồng mỗi năm. Điều này mâu thuẫn với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về việc không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu Ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế.

Thừa nhận việc giảm thu ngân sách bằng những chính sách hỗ trợ “phần nào đúng”, song Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, về tổng quan chung cần phải “có cái nhìn rộng hơn”. Bởi khi các DN được hỗ trợ, rồi phát triển thì sẽ đóng góp không chỉ về thuế, mà còn việc làm, góp phần ổn định chính trị, xã hội... “Nếu chỉ tính ra mấy nghìn, mấy nghìn thì sẽ hạn chế tính pháp lý của luật”, ông Dũng cho hay.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Bộ Tài chính đã “bác” gần hết các điều kiện liên quan đến hỗ trợ về thuế mà cơ quan soạn thảo đề xuất. Phía Ngân hàng Nhà nước thì đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua công cụ chính sách tiền tệ. Bộ Công Thương còn lo đến khả năng bị kiện ra WTO nếu một số quy định tại dự thảo luật được áp dụng. Ông Hiển và một số đại biểu khác cho rằng, việc ban soạn thảo đánh giá đến năm 2020, Việt Nam đạt 1 triệu doanh nghiệp là “hơi lạc quan” và “tính cua trong lỗ”.

Chỉ “soi” lợi ích

Không hài lòng với việc ban soạn thảo trình dự án luật quá gấp, hàng loạt những băn khoăn thắc mắc của đại biểu cũng được nêu ra, như luật này có thực sự cần thiết không? Có chồng chéo với các luật khác không? Có làm mất đi tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật không? Có tạo ra sự bất bình đẳng không?... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn dụ về quy định hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ.

Dự thảo quy định, trong trường hợp cho vay, đầu tư, tài trợ hoặc bảo lãnh đúng mục đích, đối tượng, điều lệ và quy định của pháp luật nhưng xảy ra rủi ro bất khả kháng trong kinh doanh dẫn đến thất thoát vốn của các quỹ thì tổ chức, cá nhân liên quan được miễn trách nhiệm hình sự. Theo bà Nga, quy định này cũng chỉ để...“nghe cho vui”, bởi vấn đề này phải được xem xét, căn cứ vào Bộ luật Hình sự.

Thừa nhận chậm trễ trong việc trình dự thảo luật do thực hiện chưa tốt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thanh minh rằng, khi được mời, các bộ, ngành liên quan lại cử không đúng người. “Hầu hết người đại diện các bộ chỉ soi xem có ảnh hưởng gì tới bộ mình, liên quan đến mình hay không, chứ không mang tư tưởng đây là vấn đề lớn của đất nước, nhu cầu bức xúc của cộng đồng DN. Cách làm luật của các bộ ngành xưa nay không đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm”, ông Dũng bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gia hạn cho ban soạn thảo bốn ngày để hoàn thiện dự án luật, thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục. Sau khi xem xét, nếu các điều kiện đảm bảo, Ủy ban Thường vụ mới đồng ý trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.  

Chưa phê chuẩn TPP tại kỳ họp thứ 2

Chiều 6/10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, TPP là nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét quyết định, tuy nhiên tới thời điểm này cơ quan thường trực của Quốc hội chưa nhận được tờ trình. Do vậy nội dung này chưa được bố trí đưa vào chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.