Làm luật như hiện nay, khó kiểm soát chất lượng

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua một bộ luật tại Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 11. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua một bộ luật tại Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 11. Ảnh: Như Ý.
TP - Trò chuyện với Tiền Phong về những sai sót trong công tác lập pháp, dẫn đến một số luật chưa có hiệu lực đã phải sửa hoặc hoãn thi hành, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, muốn luật có chất lượng tốt phải chuyển từ thảo luận sang tranh luận, xây dựng bộ máy giúp việc chuyên nghiệp, chịu trách nhiệm về kỹ thuật lập pháp.

Làm rõ trách nhiệm từng công đoạn

Ông nhìn nhận thế nào về việc Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có nhiều sai sót, dẫn đến phải hoãn thi hành?

Trước hết phải khẳng định, BLHS 2015 có rất  nhiều quy định tiến bộ theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, trước việc có một số những sai sót, lỗi kỹ thuật, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu để các đại biểu Quốc hội biểu quyết về việc lùi hiệu lực của BLHS. 

Sau đó, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc lùi hiệu lực của BLHS 2015 và 3 luật khác có liên quan là Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi BLHS có rất nhiều những điều, khoản tiến bộ, được đầu tư nghiên cứu, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với tinh thần đổi mới, phù hợp với cải cách, phù hợp với việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Không chỉ BLHS và các luật có liên quan mà trước đó Quốc hội từng phải ban hành Nghị quyết sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội dù chưa chính thức có hiệu lực. Vậy cần nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của Quốc hội trong việc ban hành luật?

Việc một số đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM nói “xấu hổ” khi thông qua Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội cũng đã gây chấn động. Nói trách nhiệm chung của đại biểu, về mặt nguyên lý là như thế, vì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan quyết định. Quốc hội quyết định có nghĩa là Quốc hội phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm là của gần 500 đại biểu. 

Tuy nhiên, trách nhiệm ở đây sẽ khác trách nhiệm của bộ trưởng hay những người đứng đầu các cơ quan hành chính. Vì Quốc hội thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Ví như nói về trách nhiệm khi thông qua Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội, bây giờ có đại biểu lại bảo, lúc đó tôi không biểu quyết thông qua, vậy xác định trách nhiệm như thế nào? 51% đã thông qua rồi, vậy 49% còn lại không thông qua thì có trách nhiệm không?

 Cho nên phải xác định trách nhiệm ở góc độ nào. Trách nhiệm chung trước cử tri thì có, còn trách nhiệm cụ thể phải từng khâu, từng đoạn, khâu thẩm tra như thế nào, khâu cho ý kiến ra sao, rồi tiếp thu giải trình như thế nào… Không thể không có trách nhiệm nhưng phải phân biệt từng công đoạn, vai trò của từng cơ quan.

Làm luật như hiện nay, khó kiểm soát chất lượng ảnh 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc.

Biến thảo luận thành tranh luận

Bài học và kinh nghiệm rút ra sau một loạt những sai sót trong công tác xây dựng luật  là gì?

Không chỉ BLHS đâu mà qua theo dõi quá trình thảo luận và thông qua luật, tôi khẳng định cách thông qua luật của mình hiện nay không thể đảm bảo chất lượng, không phải tất cả nhưng sẽ có những đạo luật không kiểm soát được chất lượng. Cụ thể, thông thường một luật sẽ được thông qua tại hai kỳ họp, kỳ đầu nghe báo cáo tờ trình, báo cáo thẩm tra, xong thảo luận tại hội trường, thảo luận tổ. 

Tuy nhiên, chất lượng  thảo luận đôi khi lại phụ thuộc vào chất lượng ghi biên bản, chất lượng tổng hợp, mà anh em ghi biên bản hiện nay không phải chuyên nghiệp, nên nhiều ý kiến chất lượng tại tổ bị rơi rụng. Đến khi ra thảo luận tại hội trường thì nói lại gần như ở thảo luận tổ.  Hơn nữa, thảo luận ở hội trường do thời gian hạn chế nên chỉ được vài ba chục người phát biểu.

Một điều đáng nói nữa là khi thảo luận các đại biểu lại không thể tranh luận với nhau được. Chẳng hạn khi đại biểu phát biểu xong, người khác muốn trao đổi, nhưng đăng ký phát biểu thì tụt xuống cuối cùng, như vậy không khí tranh luận đã mất đi rồi. Tôi có đề nghị thiết kế lại kỹ thuật đăng ký, phải thiết kế có nút để đại biểu bấm khi muốn tranh luận ngay sau ý kiến vừa phát biểu, thì sẽ sâu hơn.

“Tôi khẳng định cách thông qua luật của mình hiện nay không thể đảm bảo chất lượng, không phải tất cả nhưng sẽ có những đạo luật không kiểm soát được chất lượng”. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc

Rồi đến kỳ thứ hai, đầu tiên là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra báo cáo giải trình tiếp thu và thảo luận luôn tại hội trường, lại chỉ được vài chục ý kiến. Rồi nói ai còn ý kiến xin gửi, nhưng có mấy ai gửi đâu, người ta muốn phát biểu tranh luận trực tiếp cơ. Sau đó là tiếp thu thông qua, rồi chọn một vài điều biểu quyết, do ông chủ toạ chọn. Cuối cùng nhiều đại biểu tâm tư là tiếp thu không thoả đáng, rồi lại thông qua thì có chất lượng không?

Vì thế, điều quan trọng là phải điều hành cho phiên họp thành một cuộc tranh luận, đại biểu phát biểu, chủ toạ yêu cầu ban soạn thảo tranh luận lại. Hoặc sau khi đại biểu phát biểu xong, chủ toạ cần phải hỏi lại “có đại biểu nào có ý kiến khác không?”, mời luôn, không phải thông qua đăng ký. Chủ tọa có thể mời 2 đại biểu có ý kiến ngược lại, hoặc chỉ định để làm rõ vấn đề hơn, biến thành một cuộc tranh luận để có sự so sánh, cách nhìn tổng thể, nhiều chiều. Như vậy luật thông qua mới đảm bảo chất lượng.

Phải chăng chất lượng luật được thông qua chưa thực sự cao còn do sức ép về thời gian?

Một nguyên nhân nữa cũng cần rút kinh nghiệm là Quốc hội khóa XIII vừa qua ban hành quá nhiều luật, thời gian có hạn nên chất lượng sẽ có vấn đề. Do đó, theo tôi tại kỳ họp toàn thể, Quốc hội chỉ nên thảo luận những vấn đề lớn thôi, còn các vấn đề khác để các ủy ban xử lý, ra Quốc hội thông qua thôi. Từ sự việc này phải đặt lại quy trình thủ tục phân công trách nhiệm, xây dựng bộ máy cho chuyên nghiệp.

Ở các nước, bộ máy tham mưu rất quan trọng, vì đại biểu không thể hiểu hết được các lĩnh vực. Có phải tất cả các đại biểu đã khảo sát trên các tuyến hàng hải, đi hết tàu biển đâu nhưng họ vẫn phải thông qua Bộ luật Hàng hải. Đại biểu không thể là người đi rà lại kỹ thuật như một chuyên viên được. Các nước họ có chuyên gia pháp lý, chuyên gia ngôn ngữ, mình có không? Đây là hạn chế trong tổ chức của Quốc hội ta. Việc thiết kế bộ máy làm luật của chúng ta có vấn đề. Đã là đại biểu phải chịu trách nhiệm về chính sách, còn bộ phận khác phải chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, bộ phận kỹ thuật này hiện nay đang rất yếu.

Một điều nữa cũng đáng phải suy ngẫm là trách nhiệm của mỗi đại biểu khi thảo luận, góp ý vào các dự thảo luật. Nói thật là khi phát biểu về luật, kỳ đầu thường có tâm lý bảo thôi để đến kỳ họp thứ hai thông qua rồi nói. Nhưng đến kỳ hai thì lại bảo thôi chuẩn bị thông qua góp ý làm gì nữa, thế thì làm sao chất lượng được. Nếu cứ duy trì cách làm luật thế thì không thể kiểm soát được chất lượng.

Chúng ta muốn thông qua nhiều đạo luật trong một kỳ họp, ví như vừa rồi thông qua cả Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam… thì với một khối lượng công việc khổng lồ, một Ủy ban Tư pháp làm sao làm hết được.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.