Mỗi năm lượng phát thải từ nông nghiệp nước ta khoảng 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính, chủ yếu từ canh tác lúa, đốt phế phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Tại ĐBSCL, tính riêng lượng rơm, rạ khoảng 25 - 30 triệu tấn/năm, sau mỗi vụ nông dân thường đốt nhiều tại ruộng, sinh ra khí CO2, CO.
Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án “Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn”, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam giảm 20% lượng phát thải khí nhà kính. Trong đó, ngành trồng trọt giảm 9,5 triệu tấn CO2, chăn nuôi giảm 6,3 triệu tấn, thủy sản giảm 3 triệu tấn và ngành nghề nông thôn giảm 4,78 triệu tấn.
Ông Chu Văn Hách (Viện Lúa ĐBSCL) đưa ra một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính là ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước; thu gom, tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ; chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác. Còn ông Huỳnh Quang Tín (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Trường ĐH Cần Thơ) giới thiệu mô hình 1 phải 6 giảm, áp dụng tưới nước ngập khô xen kẽ đã triển khai 4 năm ở ĐBSCL. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa và giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, giảm 50% lượng giống, 32% lượng phân, gần 50% lượng nước tưới, 33% lần phun thuốc, năng suất tăng hơn 10%, giảm phát thải khí khoảng 27,5 tấn CO2/ha/ năm so với thông thường trước nay.