ĐỐI NGHỊCH NHƯ THÍNH GIẢ LOA PHƯỜNG
Đêm, câu “Tiết mục Tiếng thơ” vang lên, nghe lần nào cũng sởn gai ốc. Hồi bé tí, nhà sát vách tôi có cái đài, biết rằng mỗi 7h tối thứ bảy thì hàng xóm tả hữu sẽ giỏng tai nghe ké chương trình “Kể chuyện cảnh giác”, cho nên nhà họ để volume rất to câu mào đầu “Đây là buổi phát thanh Vì an ninh Tổ quốc”, xong bắt đầu vào câu “Tiết mục Kể chuyện cảnh giác” thì vặn bé tí lại, không nghe thấy gì nữa, cho hàng xóm chết thèm.
Đài Tiếng nói Việt Nam nghe thường xuyên. Còn loa phường, hôm nay những người lưu luyến nó đều nhắc cái ngày nó quan trọng thế nào trong việc báo động, báo yên, báo tiệp chiến trận... Nhưng hơn nửa thế kỷ đã trôi qua rồi. Nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích với phóng viên Tiền Phong: “Như cái cột đồng hồ ở phố Trần Nhật Duật chẳng hạn, cũng thiết thân với người Hà Nội chứ, nhưng rồi phải bỏ. Đến đồng hồ đeo tay còn không cần đến nữa vì ai cũng điện thoại di động bên mình, tha hồ xem giờ”. Ông Phương cho rằng khi đề cập số phận loa phường, nên tính ba khía cạnh: Pháp lý, đạo lý, hiệu quả. Có phạm luật không, làm ảnh hưởng thể chất- tinh thần mọi người không, có thiết thân không. Về cách truyền thông tin, ông bảo “Nói thì dễ, nói lọt tai người khác mới khó. Nói lấy được thì nói làm gì!”.
Đại biểu của trường phái cho rằng loa phường vẫn cực kỳ hiệu quả trong đời sống hiện nay, cấp thành phố có Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội Nguyễn Minh Khánh, cấp phường có thể dẫn chứng lãnh đạo phường Định Công, phường Khâm Thiên. Ông Đặng Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công lý luận trên một báo mạng: “Hệ thống loa phường vẫn chưa thể thay thế vì tính hiệu quả vượt trội so với các hình thức khác như thông báo lương, thuế, điện, nước, đặc biệt là tin buồn”.
Phân tích của một bạn đọc báo mạng: “Đề xuất bỏ loa phường phần lớn là đối tượng ngủ nướng, người trẻ không hiểu chuyện gì xảy ra trong phường mình nhưng lại rất thông chuyện các châu lục khác. Loa phường nên bố trí giờ phát từ 6h30 đến 7h30 và 17h đến 19h. Đây là thời gian mọi người đi làm, đi học hoặc tan ca hoặc ngồi chơi, chén chú chén anh. Loa nhắc mọi người làm việc hoặc giờ về nhà. Các vấn đề xảy ra trong phường được nhiều người biết. Còn thông tin trên mạng, ti vi và báo chí, nhiều người có điều kiện và trình độ xem không? Có tin tức về phường, quận không?”.
Thế mới biết, sống cùng một thành phố, ở thủ đô- trung tâm văn hóa khoa học giáo dục của cả nước nhưng nhu cầu, sở nguyện của mỗi người thật xa nhau biết chừng nào.
Thời buổi mà tiền điện, nước, điện thoại đều dễ dàng thanh toán qua internet, lương hưu cũng chuyển khoản, mà nhiều người vẫn muốn được tận tai nghe thông báo thuế, điện, nước, tin buồn qua loa phóng thanh tập thể.
Tôi từng dự một số đám cưới ở nội đô và ven đô, đến nghi thức hai họ làm lễ đón dâu cũng được truyền qua loa thùng cho cả ngõ, phố cùng tường tận.
Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió Mùa làm mấy năm nay ở Hoàng thành, nghe nói khán giả say sưa lắm, đi xem đông nghẹt. Nhưng người dân mấy phố quanh đó trong đó có tôi chỉ thấy tiếng ồn khủng khiếp phát ra, cảm giác kinh động cả Hoàng thành, chứ không cảm nhận được sự tuyệt vời của âm nhạc. Theo cách phân tích của chuyên gia âm thanh Doãn Chí Nghĩa trên báo Tiền Phong: “Loại âm thanh không có ích cho người nghe thì đó đích thị là tiếng ồn”. Có ích, hay với người này nhưng lại có thể làm phiền, là nỗi sợ của người kia.
Về loa phường, đứng trước lựa chọn bỏ hay giữ nó, phải chăng nên tính đến hiệu/hậu quả đối với số đông, trong xu thế hướng về một xã hội văn minh, tiến bộ?
KHÔNG THỂ KHÁC
Trong Điện thoại di động, bộ phim truyền hình nhiều tập của Trung Quốc làm dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Lưu Chấn Vân, nhân vật nam chính do ngôi sao Vương Chí Văn thủ vai. Anh ngồi trong phòng làm việc, đồng nghiệp ngồi đối diện giở tờ báo kêu sột soạt. Điềm đạm là thế mà anh nhăn mặt nhắc, đừng phát ra tiếng ồn. Người kia tỏ ra ngạc nhiên, còn nhân vật của Vương Chí Văn không buông tha cho đến khi anh kia không còn sột soạt mới thôi.
Gõ thử “loa phường” trên google, thì ra những kết quả rất bất ngờ. Có những bạn trẻ lấy nick “Loa phường”, những đội kịch lấy tên “Loa phường”, đều với âm hưởng tự trào. Loa phường, đài phường đã trở thành biểu tượng ầm ĩ, khoa trương, áp chế, “show hàng”, thiếu chiều sâu. Chỉ được cái nói đến thì ai cũng biết! Bởi ai cũng từng trải qua.
Không chỉ người Hà Nội mà người Việt Nam vốn có thói quen ồn ào nơi công cộng. Đi tàu, người đầu toa hồn nhiên í ới gọi người cuối toa. Vào nhà hàng thì “zô zô”, đập khăn, cười nói ha hả, giao lưu đến đâu bàn bên cạnh biết đến đấy. Vào thang máy tranh thủ buôn chuyện, bắt người lạ đi cùng thang nghe câu chuyện rất riêng tư của mình. Ra bể bơi nơi nghỉ dưỡng, thấy người nước ngoài mặc áo tắm nằm dài phơi nắng lim dim tư lự trên ghế hoặc đọc sách, lặng phắc. Người mình xuống nước vẫn muốn bô lô ba la. Cả Hà Nội chẳng khác nào một phiên chợ lớn. Inh ỏi, ồn ã. Cho nên mới có thể quen với loa phường.
Trong bài Bỏ loa phường, hoan hô (Tiền Phong 14/1/2017) tôi từng kể chuyện Tiến sĩ Andrew Hardy người Anh, về sau trở thành Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, hai chục năm trước thường dỏng tai nghe loa phường, vì anh cũng là một nhà ngôn ngữ và Việt Nam học. Nay kể thêm là anh còn thích thú nhại nội dung loa phường Cửa Đông vào các ngày lễ lớn. Vì ngôn ngữ loa phường, nó dường như là thứ ngôn ngữ hành chính tiêu biểu, khô cứng, ít truyền cảm.
Đào tạo lại đội ngũ phát thanh phường nói sao cho “lọt tai” nghìn, vạn người một lúc, e là tham vọng lớn mà tính khả thi không cao. Đến đài tỉnh, thành phố, thủ đô còn đang bời bời, ngổn ngang. Một số biên tập viên, phát thanh viên gọi là được nhiều người biết của VTV thường xuyên sai văn phạm, sai từ cách dùng từ Hán Việt trở đi: “Đề cập đến”, “đồng hành cùng”, “nội lực trong”, “đêm chung kết ngày hôm nay” (đã đêm còn ngày), “trận đấu giữa đội A gặp đội B”. Vân vân. Nói sai riết thành đúng, mặc nhiên được thừa nhận.
Từ khi báo chí khơi lại vấn đề loa phường, thấy hiếm diễn đàn nào mà độc giả chịu khó ý kiến ý cò, hăng say bình luận đến thế. Đa số lấy chính mình làm ví dụ, nhất là những người tự coi mình “nạn nhân”. Vặc những người khăng khăng giữ loa phường, ví dụ Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội Nguyễn Minh Khánh, rằng “Cho loa phường chĩa vào nhà ông ấy, vài chiếc, phát giờ hiểm, xem chịu được không”.
Có lẽ không thể khác, chúng ta sẽ tạm biệt loa phường, thứ âm thanh khuếch đại, xâm phạm quyền được yên tĩnh, quyền tự do tiếp cận và lựa chọn thông tin, quyền chăm sóc sức khỏe của người dân- những quyền này được Hiến pháp năm 2013 bảo vệ. Được biết có thể lãnh đạo Hà Nội chủ trương không bỏ hẳn loa phường mà sẽ tìm hình thức phù hợp hơn nhưng vẫn là loa công cộng. Dù thế nào mặc lòng, bất cứ hình thức thông tin nào có màu sắc áp đặt cả về nội dung lẫn hình thức, ảnh hưởng các quyền vừa đề cập trên kia, hoặc có khả năng gây lãng phí lớn về người và của, thì e rằng chỉ là một điệp vụ bất khả thi.
Nói vui một chút, nếu đem tình yêu so với loa phường: tình yêu phải đến từ hai phía. Một phía cứ xoắn vào, xông đến, bất chấp, trong kia phía kia cứ dửng dưng, cầm bằng như không có, thậm chí khó chịu, coi là thảm họa, thì có phải tội nghiệp cho cả hai lắm không? Như một nhà thơ đã viết: “Người ta yêu đã đi xa/Người yêu ta lại ở nhà, buồn không”.